Những chuyển biến tích cực về thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Qua gần 01 năm triển khai, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tác động tích cực đến suy nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS và bước đầu hình thành nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng.
Ông Bùi Duy Chung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trong năm 2021, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; tổ chức khảo sát, lựa chọn và xây dựng được 109 mô hình điểm vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gắn với việc hỗ trợ phát triển sản xuất.
Thông qua các mô hình trên, các cấp, các ngành đã huy động được hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ cho 548 hộ nghèo, cận nghèo DTTS mua cây giống, con giống, tổ chức đi tham quan học tập các mô hình kinh tế hiệu quả trong, ngoài tỉnh; đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn cách thức đầu tư làm kinh tế, phát triển sản xuất cho bà con.
|
Ông Bùi Duy Chung nhấn mạnh, để có được những kết quả trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam của 10 huyện, thành phố đã tổ chức lễ phát động, ký kết chương trình phối hợp với UBND cùng cấp thi đua triển khai thực hiện các nội dung Cuộc vận động. Song song đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn chỉ đạo tổ chức cho khoảng 1.000 cán bộ mặt trận các cấp tập huấn công tác phong trào năm 2021, gắn với việc triển khai Cuộc vận động; cấp 2.000 Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động và hướng dẫn, truyền đạt phương pháp, cách thức phối hợp triển khai xây dựng mô hình điểm, cách vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm…
Trong quá trình triển khai, cán bộ mặt trận các cấp phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Cuộc vận động đến người dân thông qua các cuộc họp của thôn làng, tổ dân phố, sinh hoạt các đoàn thể nhân dân ở khu dân cư; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, phát huy vai trò của dòng họ, người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng (khu dân cư) trong việc vận động bà con tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn trái, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Nhiều địa phương, khu dân cư dù bị phong tỏa tạm thời do dịch bệnh Covid-19, cán bộ mặt trận, ban quản lý thôn, tổ dân phố đã sử dụng phương thức tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; phát tờ rơi, qua sinh hoạt chi đoàn, chi hội trực tiếp trên nhóm zalo…
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Cuộc vận động đã từng bước tác động đến nhận thức của đồng bào DTTS; một bộ phận bà con không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, dần bỏ tư tưởng không muốn thoát nghèo. Bà con thuộc diện khó khăn, nghèo, cận nghèo bắt đầu tìm đến các mô hình phát triển kinh tế ở thôn xin hướng dẫn cách thức mua cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình bằng chính nội lực của mình.
Qua Cuộc vận động, nhiều hộ gia đình cũng đã thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư tái sản xuất...
Cũng qua triển khai thực hiện Cuộc vận động, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo bước đầu hình thành. Tiêu biểu như mô hình “Cải tạo vườn tạp” của Hội Nông dân xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) với tổng kinh phí thực hiện 5,3 triệu đồng hỗ trợ cho 8 hộ nghèo (ở thôn Iệc, thôn Tà Ka và Đăk Răng) mua phân bón cải tạo vườn tạp, mua cây giống mắc ca xuống giống. Hiện tại, gần 80 cây trồng đang phát triển tốt ở vườn các hộ dân tham gia mô hình.
|
Ông A Lái – hộ nghèo ở thôn Đăk Răng tâm sự: Gia đình được cán bộ xã Pờ Y, thôn Đăk Răng vận động tham gia mô hình cải tạo vườn tạp tại khu dân cư. Trước khi thực hiện cải tạo 5 sào đất sản xuất, tôi đã được tập huấn kỹ thuật trồng cây mắc ca, được hỗ trợ kinh phí 1 triệu đồng mua phân bón và hỗ trợ 20 cây giống mắc ca trồng tại vườn nhà.
Cùng đó, qua sự động viên, hướng dẫn tích cực của cán bộ Hội Nông dân xã, ông A Lái còn mạnh dạn vay vốn chính sách thêm 30 triệu đồng để mua thêm 50 cây mắc ca, 50 cây giống sầu riêng để trồng tại rẫy của gia đình.
Hay xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) đã xây dựng được 5 mô hình “Cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, cây cao su”, “Cải tạo vườn tạp, trồng cây mắc ca” với tổng diện tích thực hiện gần 18,5 ha, đạt 138,3% kế hoạch đề ra năm 2021.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đăk Long – Nguyễn Văn Lý phấn khởi nói: Tháng 4/2021, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang về thăm, tặng xã 2.000 cây giống mắc ca để hỗ trợ cho hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ngay sau đó, 50 hộ nghèo đã được xã chọn, tổ chức tập huấn kỹ thuật xuống giống cây mắc ca, cách thức chăm sóc cây. Đồng thời, hỗ trợ cây giống được tặng cho các hộ này trồng trên diện tích 5,4 ha. Số cây mắc ca đang trồng cho phát triển tốt. Từ 50 hộ ban đầu, nhiều hộ khác trên địa bàn xã đã học hỏi làm theo, tự mua cây giống về trồng thêm 13,1 ha.
Có thể nói, sau gần 01 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, Mặt trận các cấp đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, nhất là đồng bào DTTS. Cuộc vận động đã mang lại những tác động tích cực, thiết thực, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.
Trần Hà