Những bó rau sạch
Tôi được hàng xóm biếu mấy bó rau. Đây là một việc bình thường, nếu xét theo nghĩa “vẫn diễn ra hàng ngày”, nhưng xét về giá trị tinh thần, thì lại mang nặng nghĩa tình. Bởi tôi biết, đây là những bó rau được anh chị chăm bẵm, tự tay bắt từng con sâu mỗi ngày trong mảnh vườn nhỏ.
Và tất nhiên, đó là rau sạch- như anh chị nói, cũng như cách nghĩ quen thuộc: Không dùng phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật. Cũng vì vậy mà tôi rất yên tâm khi sử dụng.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện (cả về thời gian và đất đai) như anh chị để tự trồng rau. Và tôi, như bao gia đình khác, cũng không chỉ chờ đợi những bó rau sạch được biếu tặng. Cho nên, vẫn phải “hát” câu quen thuộc “rau chợ muôn năm”.
Mặt hàng nông sản sạch đang ngày một phổ biến với người tiêu dùng bởi những lợi ích mà sản phẩm mang lại cho sức khỏe. Chính vì vậy, nông sản sạch nói chung, và rau sạch nói riêng, trở thành mặt hàng có sức “mê hoặc” mạnh đối với người tiêu dùng.
Từ đó, trên thị trường, cả “thị trường thực” và “thị trường mạng”, xuất hiện ngày càng nhiều quảng cáo, giới thiệu về nông sản sạch, hoặc cửa hàng bán nông sản sạch.
Nhưng liệu có mấy người hiểu thấu đáo nông sản sạch là gì?
|
Nông sản sạch thực chất là những sản phẩm nông sản được chăn nuôi hoặc trồng, nhưng phải đảm bảo theo một tiêu chuẩn nhất định.
Những tiêu chuẩn được ở đây có thể kể đến như: Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và tránh sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Quy trình sản xuất loại nông sản này phải được các chuyên gia kiểm định kỹ càng trước khi cấp phép và tung ra thị trường.
Khái niệm nông sản sạch còn có thể hiểu là những sản phẩm được tạo nên từ những khu trồng trọt, chăn nuôi dựa theo tiêu chuẩn của VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó còn có nhiều tiêu chuẩn khác để kiểm định về độ an toàn thực phẩm.
Thực tế những năm gần đây cho thấy sự quan tâm của chính quyền các cấp trong xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm sạch, an toàn.
Từ đó nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị gia tăng, an toàn cho người tiêu dùng và lợi ích thiết thực cho người sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử ở thành phố Kon Tum, hiện nay đang duy trì, thúc đẩy phát triển cánh đồng lớn sản xuất lúa, hệ thống hợp tác, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn và trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP.
Qua đó hình thành chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Chính quyền các cấp cũng rất quan tâm đến khâu hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản sạch thông qua nhiều hình thức, trong đó khá hiệu quả là các phiên chợ nông nghiệp sạch.
Có thể dễ dàng nhận thấy một thực tế ở các phiên chợ là hàng hóa đa dạng, phong phú, trình bày đẹp, với các mặt hàng nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương, từ cà phê, gạo thơm, dược liệu, các loại trái cây, rau củ quả đến hàng thủ công mỹ nghệ.
Cũng có một số người băn khoăn chất lượng sản phẩm tại phiên chợ do lo ngại chưa được giám sát và quản lý chất lượng. Nhưng khi đến đây rồi thì hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào sản phẩm được bày bán ở phiên chợ.
Lý do là đa số người bán cũng chính là những người trực tiếp là ra sản phẩm. Người tiêu dùng có bất cứ thắc mắc nào về sản phẩm đều có thể trao đổi trực tiếp với người sản xuất và được thông tin, giải thích rõ ràng. Sản phẩm được đóng gói cẩn thận, có xuất xứ rõ ràng được in trên bao bì.
Đặc biệt, tại phiên chợ còn thường xuyên có cán bộ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên các cơ sở sản xuất đều cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn.
Rõ ràng là, việc Nhà nước tham gia tạo “sân chơi” cho nông sản sạch sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên.
|
Theo nhiều cơ sở sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp, hiện nay, một khi nông sản sạch được tiêu thụ tốt, giá cả đảm bảo, người trồng có lợi nhuận, chắc chắn nông dân sẽ tham gia sản xuất sạch, an toàn.
Thực tế cho thấy nông sản sạch vẫn đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường, đặc biệt đang bị nông sản bẩn “đội lốt” gây mất uy tín, hoặc ít khách hàng do giá bán cao hơn.
Vì vậy, các phiên chợ nông sản sạch trở thành “cầu nối” giúp nông dân tiếp cận người tiêu dùng, giảm phụ thuộc vào trung gian.
Không chỉ các hộ gia đình, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ phiên chợ nông sản. Không dễ gì gây dựng được niềm tin của người tiêu dùng trong khi “thực phầm bẩn” vẫn tràn lan hiện nay. Với các phiên chợ nông sản sạch, các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, gây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng.
Nói rộng hơn, sự xuất hiện của nông sản sạch và xu hướng tiêu dùng sản phẩm này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh lẫn người tiêu dùng.
Đối với người sản xuất, kinh doanh, nông sản sạch mang đến cơ hội kinh doanh to lớn ở hiện tại và cả tương lai. Ngoài ra việc cung cấp những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng còn thể hiện những giá trị cộng đồng sâu sắc.
Về phía người tiêu dùng, sử dụng nông sản sạch chính là sự lựa chọn thông minh cho sức khỏe. Đặc biệt giữa thời kỳ dịch bệnh như hiện nay, việc chăm lo sức khỏe bằng cách cung cấp cho cơ thể những thực phẩm lành mạnh càng quan trọng hơn.
Tuy nhiên, với nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng, trong khi “thực phẩm bẩn” chưa được kiểm soát tốt, cần tiếp tục khuyến khích các hợp tác xã nông sản và nông dân tham gia sản xuất nông sản sạch.
Khi ấy, nhất định tôi, và chúng ta, sẽ tin tưởng khi sử dụng “rau mua ngoài chợ”, như tin những bó rau được hàng xóm đem biếu.
Hồng Lam