Nhọc nhằn đường đến Ya Ly
Tuyến đường từ thị trấn Sa Thầy đi các xã Ya Xiêr, Ya Ly không chỉ hẹp mà còn hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Thực trạng đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương, phát triển kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tuyến đường liên xã từ thị trấn Sa Thầy đến xã Ya Ly là con đường độc đạo nối trung tâm huyện Sa Thầy với 2 xã Ya Xiêr và Ya Ly. Tuyến đường có tổng chiều dài gần 20km, trong đó, đoạn từ ngã ba Ya Xiêr đến xã Ya Ly hơn 12km. Tuyến đường này đã được xây dựng khá lâu, mặt đường hẹp lại có nhiều phương tiện đi qua nên đang bị xuống cấp, khiến các phương tiện lưu thông gặp không ít khó khăn.
Đi dọc trên tuyến đường này, chúng tôi nhận thấy trên mặt đường nhựa có nhiều đoạn hư hỏng. Trên mặt đường xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi, thậm chí có một số hố sâu như những “cái bẫy” giữa đường. Một số đoạn bê tông nhựa trên mặt đường đã bị bong tróc, trơ lại lớp đá lởm chởm, đặc biệt, trên tuyến đường xuất hiện một vài điểm sạt lở phía taluy âm và có nguy cơ tiếp tục sâu vào nền đường rất nguy hiểm cho người đi đường, nhất là vào ban đêm.
|
Điều đáng nói, xã Ya Ly là xã thuần nông, vào mùa thu hoạch nông sản, hàng ngày trên tuyến đường này có hàng chục lượt phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông qua lại khiến con đường ngày càng xuống cấp. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thiên tai, hàng năm, mưa lũ cũng làm cho tuyến đường hư hỏng nặng thêm. Thực trạng đó càng khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thêm khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Liên- làng Chờ (xã Ya Ly) cho biết đã sinh sống ở xã Ya Ly mấy chục năm. Dù đã rất quen đường nhưng bà cũng khá vất vả, nhất là vào ban đêm và mùa mưa bão. Theo bà Liên, khi mùa mưa bão, trên tuyến đường có nhiều đoạn nước ngập tràn mặt đường rất khó đi lại. Ngoài ra, tại những đoạn đường bị hư hỏng, trời tối, nhiều người đi thiếu chú ý đã bị ngã, gây thương tích do sụp phải hố sâu giữa đường. “Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm sớm đầu tư, sửa con đường để đi lại thuận lợi hơn, để hàng hóa nông sản của người dân làm ra không bị tư thương ép giá vì đường xấu”- bà Liên đề xuất.
Trước tình trạng xuống cấp của tuyến đường, chính quyền và người dân xã Ya Ly đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp quan tâm, bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp mở rộng tuyến đường để thuận lợi trong việc đi lại vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân, góp phần nâng cao đời sống cũng như bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường.
|
Đặc biệt, hiện nay, xã Ya Ly đang có lợi thế lớn về phát triển đánh bắt thủy sản và thúc đẩy phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện Ya Ly. Mỗi năm, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Ya Ly đạt hơn 100 tấn. Hơn nữa, cây cầu qua sông Đăk Bla nối xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) với xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) chuẩn bị được xây dựng, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ đem lại lợi thế lớn để hai địa phương thúc đẩy phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện Ya Ly. Chủ trương này đã và đang được xã Ya Ly xây dựng khu vực làng Chài ở làng Chờ trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong thời gian tới. Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế xã hội cũng như phát triển du lịch thì hệ thống giao thông phải thuận lợi mới thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến địa bàn. Do đó, chính quyền xã, cũng như người dân rất mong muốn tuyến đường từ thị trấn Sa Thầy đến xã Ya Ly sớm được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng vừa phục vụ đi lại thuận lợi cho người dân, vừa góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân.
Được biết, sau khi được người dân ý kiến, huyện Sa Thầy đã bố trí kinh phí tiến hành sửa chữa những điểm bị sạt lở dọc trên tuyến đường. Tuy nhiên, hiện tuyến đường khá hẹp, nhỏ, trong khi đó lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều nên người dân mong muốn tuyến đường sớm được mở rộng hơn để tạo thuận lợi trong đi lại và bảo đảm an toàn giao thông.
Hơn lúc nào hết, hàng nghìn hộ dân các xã vùng sâu Ya Ly đang mong chờ các tuyến đường sớm được nâng cấp, sửa chữa để thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương.
Hà Nam