Nhớ mãi chuyến vào đường hầm, thác nước Hang Dơi
Từng có nhiều năm gắn bó với ngành NN&PTNT tỉnh, tôi có nhiều chuyến đi xuyên rừng, từ đỉnh núi Ngọc Linh với nhiều huyền thoại đến đỉnh núi Chư Mom Ray kỳ bí và các thác nước đẹp trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Trong các thác nước tôi đến, điều khiến tôi ngỡ ngàng là sự kỳ bí về đường hầm, thác nước Hang Dơi ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
Để khám phá thác nước Hang Dơi, tôi chọn thời điểm giao mùa, thời tiết không quá khô hạn, không quá ẩm ướt, các suối chưa cạn kiệt nước. Trong chuyến khám phá đó, tôi được Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tạo điều kiện, cử cán bộ và mời đại diện các hộ nhận khoán bảo vệ vườn theo cùng để vừa đi tuần tra, vừa giới thiệu về thác nước.
Đợi mặt trời lên, sương mù tan, chúng tôi cùng các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng ở thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy theo lối mòn nhỏ tiến vào Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Khu vực rừng gần rẫy là rừng cây hỗn giao, trong đó có nhiều tre nứa. Rừng cây thâm u, tịch mịch. Không đi giày, nhân viên vườn và các hộ nhận khoán đi ủng, còn tôi đi dép rọ để nhẹ chân và tiện khi lội suối. Vào rừng được hơn 1km, chúng gặp một con suối. Lội dọc theo suối, chúng tôi cứ thế tiến sâu vào rừng.
|
Dọc theo suối dốc có nhiều đá to như chồng lấn, như nghênh đón chúng tôi. Nước suối lượn theo đá, ghềnh đá khi chảy róc rách, khi ào ào. Vừa cặm cụi đi, chúng tôi vừa nói chuyện. Như đón khách lạ, lũ chim rừng không hoảng sợ mà báo động nhau cùng hót, khiến chúng tôi ai nấy đều phấn khích.
Đi theo lòng suối, nhưng thật ra nhiều đoạn chúng tôi như chuyền nhau trên đá, nước chảy dưới những tảng đá. Cũng như nhiều con suối gặp trong các khu rừng nguyên sinh khác ở tỉnh, suối ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có nhiều cây đoát. Loại cây họ dừa, có thể khai thác nước từ cuốn hoa để làm rượu đoát. Chợt nghĩ, mai này khi điều kiện cho phép mở tuyến tham quan các thắng cảnh như thác nước, hang động hay chinh phục đỉnh cao Chư Mom Ray, ta có thể khai thác nước từ cây đoát làm rượu, tiếp đãi khách du lịch để thu hút khách.
Đi trên các ghềnh đá, tảng đá, đôi khi gặp thác nước cao, chúng tôi phải men theo bìa rừng để lên trên. Vừa đi, vừa nói chuyện, vừa ngắm cảnh, gần 12 giờ chúng tôi đến được thác nước Hang Dơi. Giữa phong cảnh thâm u của núi rừng, khu vực thác nước Hang Dơi bừng sáng. Bởi ở khu vực thác, nghềnh đá rộng, dốc, nhiều tầng bậc, không gian thoáng đãng. Ở tầng thứ ba (tính từ dưới lên), thác nước dựng đứng. Nước như từ trên trời buông xuống trắng xoá một góc rừng.
Không ai rõ trên thác là gì, có phải là con suối nhỏ nữa hay không vì các thành viên trong đoàn chưa ai lên trên. Ngước mắt nhìn lên, chúng tôi lại thấy mây trắng nhởn nhơ đầu thác. Các cán bộ và người dân đi cùng, chỉ tay lên vách núi bên tả thác - khu vực vách đá hung hiểm là hang dơi. Tuy nhiên, không ai có thể men theo vách đá hung hiểm này để lên hang dơi. Buộc lòng, chúng tôi phải quay lại lòng suối để tìm đường khác ngược lên hang dơi.
Trong lúc quay lại dòng suối để tìm đường lên hang dơi, một cảnh tượng kỳ vĩ lại hiện ra. Lòng suối lúc này là đường hầm dài sâu hun hút, hai bên là vách núi đá thẳng băng và dựng đứng. Đáy suối là ghềnh đá, sỏi đá, nước xâm xấp. Khoảng cách đường hầm khoảng 2 mét, hai bên là vách đá thẳng băng tựa như được chẻ ra từ chiếc gươm thần trong truyền thuyết.
|
Thiên nhiên tạo đường hầm phẳng, thẳng; khoảng cách đường hầm khá đều nhau một cách bí ẩn. Đáy đường hầm cũng là mặt đá, khá phẳng. Lội nước đi trong đường hầm, hơi nước làm cho thân thể mát lạnh. Trong đường hầm, có bậc thang đường hầm cao khoảng 2,5 - 3 mét. Ngay tại bậc thang đường hầm có mấy cây gỗ to đen như cột nhà cắm dọc xuống thác đường hầm. Lõi gỗ rêu ướt, trơn trợt.
Bạn cùng đi là Nguyễn Văn Đoàn và A Cách (hộ nhận khoán) trẻ khỏe, dùng sức bật leo lên thác đường hầm để leo lên hang dơi. A Cách và Nguyễn Văn Đoàn khen Hang Dơi đẹp, có nhiều dơi và động viên tôi leo lên chụp hình. Bám vách núi, tôi cố leo lên bậc thang đường hầm, nhưng không tài nào leo lên trên. Mới biết sức khỏe mình không còn như xưa.
Trên bậc thang đường hầm, lại là đường hầm dài. Đầu đường hầm là tận cùng của suối. Đầu suối, hai đường hầm giao nhau. Điểm giao nhau là vách đá.
Lại nói về dang dơi, theo những hình ảnh từ Nguyễn Văn Đoàn ghi lại, thì đây là một mỏm đá núi cao và khá hiểm trở. Dưới mỏm đá, có hàng ngàn con dơi. Tuy nhiên, khi các anh leo lên chụp hình thì dơi bị đánh động bay ra hết. Gần hang dơi, có một loài lan sống ở vách đá ẩm ướt. Có người nói đó là lan đá. Lan đá có hoa màu phớt hồng như cánh bướm và khá đẹp.
Ông Đào Xuân Thủy- Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray chia sẻ: “Khi nào hội đủ điều kiện, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray sẽ tính đến chuyện khai thác nước Hang Dơi và đường hầm khu vực thác Hang Dơi để phát triển du lịch”.
Bí ẩn đường hầm, thác nước Hang Dơi ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cần có sự nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, quy hoạch để phát triển du lịch khi điều kiện cho phép.
Văn Nhiên