Nhận trợ cấp “không tiền mặt”
Từ đầu năm nay, chị Nguyễn Thị N. ở cạnh nhà tôi đã nhận trợ cấp xã hội cho con trai bị khuyết tật qua tài khoản ATM.
Chồng mất sớm, chị N. có hai con trai, đứa lớn đi làm ăn xa, đứa nhỏ bị khuyết tật hệ vận động nặng, không thể tự chăm sóc bản thân. Cháu được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
Trước đây, khi đến kỳ nhận trợ cấp hàng tháng, chị N. vẫn phải lên phường ký nhận tiền mặt. Nhưng phần vì bận rộn cuộc mưu sinh, phần phải chăm sóc con, nên chị N. thường đến muộn, có những hôm nhân viên chi trả chờ đến chiều muộn mới thấy chị tất tả chạy tới. Nếu để qua ngày, thì phải đến cơ quan bưu điện nhận, hoặc chờ đến tháng sau.
Thấy chị vất vả quá, nhân viên chi trả đã đề nghị chị làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng. “Hằng tháng, đến ngày chi trả, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của chị. Khi nào cần, chị ra rút cũng tiện, không phải chạy ngược chạy xuôi nữa”- cô nhân viên tư vấn.
Chị N. đồng ý. Thế là hôm sau, đại diện công an phường, cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội, cán bộ thôn, đến nhà giúp chị đăng ký và mở tài khoản ngân hàng.
|
Kể từ đó, hàng tháng chị N. không phải tất bật lên phường ký nhận trợ cấp bằng tiền mặt cho con trai nữa.
Câu chuyện của chị N. chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện về triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt ở tỉnh ta thời gian qua.
Trước đó, tháng 5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1498/KH-UBND triển khai thí điểm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại thành phố Kon Tum và thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà từ tháng 6-12/2023.
Để thực hiện Kế hoạch 1498, các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của việc chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công, thân nhân người có công, đối tượng bảo trợ xã hội nhận trợ cấp hàng tháng.
Đồng thời rà soát, lập danh sách đối tượng đã có tài khoản, đối tượng đăng ký sử dụng dịch vụ; phối hợp với ngân hàng mở tài khoản cho người hưởng hoặc người được ủy quyền nhận trợ cấp.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ,TB&XH, toàn tỉnh có 23.884 đối tượng an sinh xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng.
Sau thời gian thí điểm, đã có 386/18.405 đối tượng trợ giúp xã hội và 216/4.948 đối tượng người có công và thân nhân có tài khoản (hoặc tài khoản cá nhân được ủy quyền) tại các ngân hàng thương mại.
Tính đến tháng 1/2024, đã có 352 đối tượng an sinh xã hội được chi trả qua tài khoản với số tiền hơn 1,83 tỷ đồng (135 đối tượng bảo trợ xã hội và 216 đối tượng người có công).
Đại diện Sở LĐ,TB&XH đánh giá, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đem lại nhiều tiện ích cho các bên. Đó là đảm bảo an toàn; giảm chi phí in ấn và vận chuyển tiền mặt.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; tăng tính minh bạch trong hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân; bảo đảm chi trả đúng đối tượng, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Đối với người nhận, hình thức chi trả này bảo đảm người thụ hưởng được nhận đúng thời gian, không phải xếp hàng chờ đợi lâu.
|
Tất nhiên, thực tế triển khai cũng ghi nhận nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Trong đó, đáng chú ý là hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, thậm chí có 2 huyện Ia H’Drai, Tu Mơ Rông không có máy rút tiền tự động (ATM).
Mặt khác, các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ phần lớn là người cao tuổi, đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử. Vì vậy, phần lớn trong số họ vẫn có nguyện vọng được chi trả bằng tiền mặt để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Cùng với khó khăn về hạ tầng, đây là rào cản rất lớn đối với nỗ lực hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024, có ít nhất 30% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản ngân hàng.
Có thể khẳng định, việc thanh toán không dùng tiền mặt cho người được hưởng chính sách an sinh xã hội không chỉ tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi mà còn là giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.
Vì vậy, theo Sở LĐ,TB&XH, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội hưởng ứng, tự nguyện đăng ký và nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ cơ sở, lực lượng công an cấp xã trong việc hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng hưởng chính sách có nhu cầu.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết và thực hiện chính sách đối tượng an sinh xã hội.
Mặt khác, cần có lộ trình và thời gian triển khai phù hợp để việc chi trả không dùng tiền mặt không ảnh hưởng đến chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhóm đối tượng này.
Hồng Lam