Người Mường chung tay xây dựng nông thôn mới
Thôn Hòa Bình được xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi lựa chọn xây dựng thôn nông thôn mới nhằm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Để đạt được mục tiêu, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người dân trong thôn đã chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Thôn Hòa Bình có 139 hộ/503 khẩu, trong đó có hơn 90% dân số là đồng bào Mường. Để xây dựng thôn Hòa Bình đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo đúng kế hoạch, UBND xã Đăk Kan đã thành lập tổ hỗ trợ thôn Hòa Bình, trong đó thành viên nòng cốt là đội cán bộ, công chức xã Đăk Kan, tổ chức gặp gỡ trao đổi với nhân dân thôn Hòa Bình cùng nhau đề ra các biện pháp xây dựng thôn nông thôn mới, qua đó đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Xác định các tuyến đường là “bộ mặt” của thôn, xã đã huy động, bố trí nguồn lực để bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, nội thôn; phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên tổ chức nạo vét mương thoát nước, phát quang bụi rậm, trồng hoa, chăm sóc cây xanh dọc các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn.
|
Bà Đinh Thị Hương- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hòa Bình cho biết: Thôn tổ chức ra quân dọn dẹp 2 lần/tháng, các gia đình cử người tham gia cùng ra quân dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Cùng với đó, khi xã tổ chức bê tông hóa các tuyến đường trong thôn, bà con đóng góp hơn 300 ngày công lao động đổ bể tông hơn 700m đường vào khu sản xuất. Đến nay, các trục đường thôn liên thôn, liên xóm đã được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; hơn 70% các tuyến đường thôn, xóm đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh việc xây dựng đường giao thông, thôn Hòa Bình còn chú trọng vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư phát triển kinh tế gia đình nâng cao thu nhập. Theo bà Đinh Thị Hương, tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo luôn đi đôi với nhau. Khi thu nhập người dân tăng, người dân sẽ thoát nghèo. Do vậy, thời gian qua, thôn tích cực vận động người dân chuyển đổi sang trồng các giống lúa cho năng suất, giá trị cao như ST24, ST25; chuyển đổi các diện tích cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng cà phê, mắc ca, cây ăn quả. Cùng với đó, thôn lựa chọn các mô hình điểm về phát triển kinh tế để người dân dễ dàng học tập, làm theo.
Một trong những gương điển hình của thôn được nhắc nhiều đó chính là gia đình ông Sa Văn Kiểm, từ diện tích 6ha đất bạc màu trồng mì kém hiệu quả, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng cà phê, cao su, đào ao đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Ngoài ra, ông Kiểm còn đầu tư mua máy cày để tăng năng suất lao động, vận chuyển nông sản giúp bà con trong thôn. Giờ đây, trừ các khoản phí mua vật tư nông nghiệp, thuê nhân công, gia đình ông Sa Văn Kiểm lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
|
Nhờ các mô hình kinh tế điển hình như ông Kiểm mà nhiều nông dân trên địa bàn thôn đã chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo phong trào hăng hái thi đua sản xuất. Đời sống của bà con trong thôn từng bước ổn định, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt khoảng 40 triệu đồng/năm, số hộ khá ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 3 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, đồng bào Mường nơi đây còn được tuyên truyền xóa bỏ những hủ tục, phong tục không còn phù hợp; làm chuồng trại chăn nuôi để mang lại hiệu quả; đào hố rác, làm hàng hào để giữ gìn vệ sinh nhà cửa; tham gia học các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp ngắn hạn và dài hạn gắn với đầu ra.
Ông Ngô Tấn Quyết - Chủ tịch UBND xã Đăk Kan cho biết: Với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn thôn, trong khoảng thời gian không dài nhưng đã tập trung triển khai thực hiện chương trình một cách quyết liệt, có hiệu quả. Đến nay, thôn Hoà Bình đã hoàn thành 10/10 tiêu chí thôn nông thôn mới. Từ đó làm thay đổi sâu sắc nhận thức của nhân dân trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; phát huy được vai trò chủ thể, nhất là việc tự bỏ vốn đầu tư cho sản xuất, chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn tạp, tích cực tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; phát triển ngành nghề nông thôn ở từng gia đình, từng khu dân cư, xây dựng làng Mường no ấm, hạnh phúc.
Bùi Thị Thảo