Người dân Đăk Tô thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (viết tắt là Cuộc vận động), đồng bào DTTS huyện Đăk Tô đã có những chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Với đặc thù của một huyện có 50,67% dân số là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,14%, hộ cận nghèo 6,53%, trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ 89,12% và hộ cận nghèo DTTS chiếm 89,16% so với hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện nên việc triển khai hiệu quả Cuộc vận động sẽ có ý nghĩa tích cực trong việc cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 08-KL/TU về chủ trương triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, huyện Đăk Tô đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Cuộc vận động trên địa bàn huyện. Trong đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huyện đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình hộ nghèo, cận nghèo là người đồng bào DTTS tại các xã, thị trấn.
Ông Bùi Tiến Lý- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Qua khảo sát, các địa phương đã xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo chủ yếu là do thói quen uống rượu hàng ngày, lười lao động, sinh đông con, ý thức còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tổ chức ăn uống vào các dịp thôi nôi, sinh nhật, đám cưới, đám tang kéo dài 2-3 ngày gây tốn kém, lãng phí thời gian và tiền của, chưa biết chi tiêu hợp lý; thói quen trong lao động sản xuất còn lạc hậu…Từ đó, tiến hành phân loại hộ nghèo, cận nghèo theo từng nhóm đối tượng: hộ nghèo, cận nghèo do già yếu, bệnh tật không đủ sức lao động (441 hộ); do thiếu đất sản xuất, đất ở (có 382 hộ); do đông con hoặc không biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (có 407 hộ); do lười lao động, thói quen uống rượu (có 59 hộ), nguyên nhân khác (242 hộ).
Trên cơ sở kết quả khảo sát, huyện đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có các biện pháp hỗ trợ theo từng nhóm đối tượng, xây dựng các mô hình hỗ trợ bà con. Đối với các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế đã triển khai trước đây vẫn mang lại hiệu quả, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì, nhân rộng, đồng thời lựa chọn, xây dựng mới các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, của hộ gia đình. Kết quả, đến nay, huyện Đăk Tô đang duy trì 15 mô hình đem lại hiệu quả và trong hơn 1 năm qua đã xây dựng mới được 5 mô hình cấp huyện, 20 mô hình cấp xã có tổng kinh phí thực hiện hơn 4.589 triệu đồng với 797 hộ tham gia, trong đó có 167 hộ DTTS nghèo và 155 hộ DTTS cận nghèo.
Các mô hình triển khai trên địa bàn huyện Đăk Tô đến nay đều mang lại hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào DTTS. Nhiều mô hình thu hút sự tham gia của các hộ người DTTS như mô hình trồng rừng, trồng cây mắc ca có liên kết, trồng dứa, nuôi heo sọc dưa, trồng cỏ nuôi bò sinh sản, mô hình trồng lúa nước năng suất cao…
|
Theo anh A Một (ở thôn Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ), được các ngành, các cấp lựa chọn tham gia mô hình trồng cỏ nuôi bò lai sinh sản, tôi đã tham gia các đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc và mạnh dạn tham khảo, tiến hành trồng cỏ chăn nuôi. Từ ngày tham gia mô hình tôi đã chủ động được nguồn thức ăn, bò không bị bệnh, lại còn học hỏi được kinh nghiệm của những hộ chăn nuôi giỏi để chăm sóc đàn bò khỏe. Đàn bò mau lớn, nhanh bán được, gia đình tôi được cải thiện rất nhiều trong cuộc sống. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nói về hiệu quả sau hơn 1 năm triển khai Cuộc vận động, anh A Blút - Trưởng thôn Đăk Kang Peng (xã Diên Bình) cho biết, làng Đăk Kang Peng có 99% dân số là người Rơ Ngao. Trước đây, nhiều hộ dân trong thôn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo, chưa mạnh dạn áp dụng các giống mới, kĩ thuật mới vào sản xuất. Nhờ cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều hộ gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất.
Không chỉ anh A Một hay dân làng Đăk Kang Peng mà sau hơn 1 năm triển khai Cuộc vận động, đồng bào DTTS huyện Đăk Tô, đặc biệt là các hộ DTTS nghèo, cận nghèo từng bước thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của nhà nước, tự vươn lên thoát nghèo bền vững được nâng lên chiếm tỷ lệ 49,38%; hộ DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chiếm 47,49%; hộ DTTS nghèo, cận nghèo tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chiếm 0,91%; hộ DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện chiếm 21,29% (so với hộ DTTS nghèo, cận nghèo trên toàn huyện).
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong thời gian tới của huyện.
“Phải thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất gắn với phương châm thường xuyên, kiên trì, từng bước, lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người có uy tín thực hiện trước để các hộ dân khác noi theo. Có như vậy mới từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra”- ông Bùi Tiến Lý nhấn mạnh.
Hà Nam - Hồ Mai