Người dân Đăk Na thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) là một xã đặc biệt khó khăn với 98% dân số là người DTTS (dân tộc Xơ Đăng) nên việc triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” để giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, loại bỏ dần những hủ tục, biết cách tổ chức sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ông Bùi Văn Viên - Chủ tịch UBND xã Đăk Na, cho biết: Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã cao là do bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và vay vốn mở rộng sản xuất, chưa có kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể... Vì vậy cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động, xã đã chú trọng xây dựng các mô hình cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương để người dân học hỏi, làm theo như: Mô hình trồng lúa ST25, mô hình nuôi ong mật tự nhiên, mô hình nuôi bò theo chuỗi giá trị, mô hình mỗi nhà có một vườn rau xanh, mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở thôn Mô Bành 1, mô hình xây dựng tường rào, cổng ngõ, trồng hoa trước nhà, làm cho nhà mình xanh, sạch, đẹp.
Lựa chọn sát, đúng, phù hợp với đặc thù của địa phương nên nhìn chung các mô hình đã từng bước phát huy được hiệu quả. Điển hình như mô hình lúa ST 25, vụ mùa năm 2021 có 7 hộ tham gia trồng 0,5ha cho năng suất bằng với lúa của nhân dân đang trồng nhưng giá trị cao hơn. Hiện nay xã chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích vụ đông xuân 2021-2022 lên trên 10ha với 60 hộ đồng bào DTTS tham gia, trong đó có 40 hộ nghèo.
|
Hay mô hình chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị (Tổ hợp tác chăn nuôi) đã chọn 12 hộ tại thôn Lê Văng tham gia, trong đó có 6 hộ nghèo. Các thành viên của Tổ hợp tác đã đóng góp kinh phí, ngày công tiến hành san gạt đất, mua tôn lợp làm chuồng trại. Ông A Dũng- Tổ trưởng cho biết: Trước đây, chúng tôi nuôi thả rông, không chuồng trại, bò của nhà nào nhà đó chăn giữ, tối về cột tạm gần nhà nên bò chậm lớn, hay bị đau ốm, vào mùa mưa lạnh hay bị chết. Tham gia mô hình, được cán bộ xã, cán bộ thôn tuyên truyền, hướng dẫn, chúng tôi đã góp tiền hơn 18 triệu đồng để mua tôn lợp, quây rào xung quanh. Có chuồng trại, bò được che chắn gió mưa, ít bị bệnh hơn trước. Chúng tôi còn tận dụng được nguồn phân để bón cho cây trồng. 12 hộ trong thôn ban đầu cùng đưa toàn bộ số bò về chăn nuôi, phân công thành viên luân phiên nhau chăm sóc, đến nay đã có thêm 2 bò con mới sinh và số hộ tham gia đã tăng lên 17 hộ. Đặc biệt, từ mô hình này, 6 hộ nghèo được các hộ khá hơn hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc, cách chi tiêu trong gia đình nên cuộc sống dần ổn định hơn.
Một mô hình khác cũng phát huy hiệu quả là mô hình mỗi nhà có một vườn rau xanh. Xã đã giao mô hình này cho Hội Phụ nữ xã phụ trách và ban đầu chọn 9 hộ ở thôn Lê Văng và Đăk Riếp 1 thực hiện. Được cán bộ Hội hướng dẫn, hỗ trợ, 9 hộ đã làm đất, làm rào bảo vệ, gieo rau cải, mồng tơi, rau dền…và đã cung cấp rau xanh cho gia đình ăn hàng ngày. Theo chị Y Đia- Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Na thì trước đây phần lớn các hộ dân trên địa bàn ít trồng rau xanh quanh nhà. Mặc dù có đất trống trong vườn nhưng bà con chủ yếu đi làm rẫy, quanh vườn hoặc để trống hoặc trồng một vài cây lâu năm. Được Hội hướng dẫn, bà con nhận thấy trồng rau xanh trong vườn nhà vừa có nguồn rau ăn hàng ngày, cải thiện bữa ăn gia đình vừa tiết kiệm được chi tiêu nên nhiều hộ dân hộ dân đã học tập làm theo và đến nay có khoảng 60% hộ dân trong thôn có vườn rau đủ cung cấp nguồn rau xanh cho gia đình.
Đặc biệt, từ các mô hình cụ thể, xã đã triển khai, người dân đã duy trì, học tập và nhân rộng như: mô hình trồng lúa ST25; mô hình nuôi bò, mô hình nuôi mật, mô hình vườn rau... Đời sống bà con dần được cải thiện, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn xã có 448/790 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 56,71%. Quan trọng hơn cả là nhận thức của người dân có sự chuyển biến, tích cực tham gia vào các mô hình mới để học tập, làm theo.
Hà Nam