Ngọc Hồi quan tâm thực hiện các chương trình MTQG
Trong năm 2023, UBND huyện Ngọc Hồi quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục khó khăn, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Năm 2023, huyện Ngọc Hồi được phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển 73,506 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn năm 2022 chuyển sang là 15,965 tỷ đồng; kế hoạch vốn giao đầu năm 45,541 tỷ đồng; kế hoạch giao vốn bổ sung trong năm 12 tỷ đồng. Đến cuối 2023, toàn huyện đã giải ngân được 71,874 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch vốn Trung ương giao.
Cụ thể, Chương trình MTQG xây dựng NTM vốn giao 34,637 tỷ đồng; trong đó, vốn năm 2022 chuyển sang 6,071 tỷ đồng, vốn giao đầu năm 28.566 triệu đồng, đã giải ngân 34.409 triệu đồng, đạt 99% kế hoạch. Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi có vốn đầu tư phát triển giao 38.869 triệu đồng; trong đó, vốn năm 2022 chuyển sang 9,894 tỷ đồng, vốn giao đầu năm 16,975 tỷ đồng, vốn giao bổ sung trong năm là 12 tỷ đồng; đã giải ngân 37,465 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch.
|
Nguồn vốn sự nghiệp phân bổ cho huyện Ngọc Hồi để triển khai thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 là 45,288 tỷ đồng; trong đó, vốn năm 2022 chuyển sang 8,776 tỷ đồng, vốn giao đầu năm 28,284 tỷ đồng, vốn giao bổ sung trong năm 8,228 tỷ đồng; đến cuối năm đã giải ngân 12,156 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 7,338 tỷ đồng, đã giải ngân 4,852 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch; nguồn vốn của Chương trình MTQG xây dựng NTM là 3,902 tỷ đồng, đã giải ngân 3,562 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch; nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi là 34,048 tỷ đồng, đến cuối năm 2023 đã giải ngân được 3,652 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch.
Ông Nguyễn Chí Tường- Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, sở dĩ nguồn vốn đầu tư phát triển 3 chương trình MTQG thực hiện đạt hiệu quả, tỷ lệ giải ngân gần đạt kế hoạch đề ra, còn nguồn vốn sự nghiệp có tỷ lệ giải ngân thấp là do nhiều nguyên nhân khách quan trong đó có cơ chế, chính sách của Trung ương còn một số vướng mắc, nên chính quyền địa phương khó vận dụng khi triển khai, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Đáng chú ý, các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 có nhiều quy định, chính sách mới nên việc tiếp cận, hướng dẫn triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, thêm vào đó còn nhiều hướng dẫn thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng nên việc tổ chức triển khai thực hiện gặp khó khăn, dẫn đến các cơ quan thực hiện còn lúng túng. Một số dự án chưa có hướng dẫn chi tiết của các bộ, ngành nên việc triển khai thực hiện còn khó khăn và bị động, một số văn bản hướng dẫn chậm.
|
Đặc biệt, các chương trình MTQG có nhiều dự án, tiểu dự án thành phần; nhiều ngành quản lý; địa bàn, đối tượng rộng; chính sách, cơ chế thực hiện khác nhau như chưa có quy định cụ thể… Trong khi đó, nguồn kinh phí thực hiện dự án lớn, lên tới 23,527 tỷ đồng, chiếm 52% tổng kế hoạch vốn sự nghiệp của 3 chương trình MTQG, chiếm 69% vốn sự nghiệp của Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đối với Tiểu dự án 1 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn) thuộc Dự án 4 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp.
Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục thì các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên cấp huyện không thuộc đối tượng thụ hưởng các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; gồm hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Do vậy, việc triển khai thực hiện nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp gặp rất nhiều khó khăn (nguồn lực lớn song giới hạn về đối tượng, nội dung thực hiện), dự kiến sẽ không giải ngân được với tổng số tiền 5,137 tỷ đồng. Trong đó, Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 của Chương trình MTQG giảm nghèo vững là 1,487 tỷ đồng; Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi là 3,650 tỷ đồng; chiếm tỷ lệ hơn 11% tổng nguồn vốn sự nghiệp của 3 chương trình MTQG.
Có thể nói, công tác quản lý, điều hành kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đạt được những kết quả tích cực. UBND huyện Ngọc Hồi đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các đơn vị, địa phương đảm bảo đúng quy định, thời gian. Các dự án, công trình được bố trí vốn tập trung được các chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhất là ý thức chấp hành các quy định của các chủ đầu tư, các cấp, các ngành ngày càng tốt hơn đã góp phần hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Quang Định