Ngọc Hồi: Quan tâm phát triển đối tượng tham gia các loại bảo hiểm
Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện tốt việc phát triển đối tượng tham gia các loại bảo hiểm. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Duy Tẩn- Giám đốc BHXH huyện Ngọc Hồi, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện cho biết, thời gian qua, BHXH huyện Ngọc Hồi căn cứ vai trò, trách nhiệm được giao để thực hiện đảm bảo các chính sách, pháp luật về các loại bảo hiểm như giải quyết chế độ, luân chuyển, bảo lưu thời gian công tác, thực hiện đúng quy trình về cấp sổ, thẻ, đảm bảo 100% số người tham gia được cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Các thủ tục hành chính về các loại bảo hiểm được đơn vị niêm yết công khai, giải quyết nhanh gọn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch. BHXH huyện Ngọc Hồi tích cực tuyên truyền vận động các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện tốt các chế độ, chính sách về bảo hiểm cho người lao động.
Bên cạnh đó, hàng năm, BHXH huyện Ngọc Hồi quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm đảm bảo 100% cộng tác viên, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên được tập huấn kỹ năng, kiến thức về các loại bảo hiểm; ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích việc cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW và các luật, nghị quyết liên quan. Công tác truyền thông của BHXH huyện được tổ chức phong phú, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện thực tế và áp dụng nhiều phương thức truyền thông mới như truyền thông số, truyền thông đa phương tiện, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
|
Từ đầu năm 2024 đến nay, BHXH huyện Ngọc Hồi in gần 4.000 ấn phẩm (tờ rơi, tờ gấp) tuyên truyền về BHXH, BHYT tự nguyện và phát hành đến tận tay người dân trên địa bàn; lắp đặt 88 pano, áp phích, băng rôn có nội dung tuyên truyền về các loại bảo hiểm tại nhà rông, nhà văn hóa, bưu điện, trường học tại các xã, thị trấn. Đăng tải, chia sẻ các tin, bài tuyên truyền về BHXH, BHYT lên trang thông tin điện tử của huyện, của ngành và các trang mạng xã hội của đơn vị, giúp người lao động, các đơn vị sử dụng lao động và người dân trên địa bàn nắm bắt kịp thời các chính sách bảo hiểm.
Các cơ sở y tế tuyến xã trên địa bàn huyện Ngọc Hồi từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh; trong đó quan tâm đặc biệt tới các đối tượng tham gia BHYT, được khám chữa bệnh miễn phí và tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận tiện, hiệu quả hơn.
Anh Cao Viết Hùng- Phụ trách Trạm Y tế xã Sa Loong cho biết: Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn, nhất là với các đối tượng tham gia BHYT, luôn được Trạm y tế xã Sa Loong thực hiện tốt. Trạm Y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh và quản lý thẻ trên phần mềm nên đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Nhờ có BHYT, nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo với chi phí điều trị cao đã được miễn giảm, hỗ trợ chuyển điều trị tại các tuyến trên kịp thời, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Tính đến 6 tháng đầu năm 2024, huyện Ngọc Hồi có 41.827 người tham gia BHYT (đạt trên 83% dân số). Bên cạnh đó, lượng người tham gia BHXH là 3.790 người (đạt 95% so với kế hoạch năm 2024); tham gia BHTN là 1.967 người (đạt 94,16% so với kế hoạch năm 2024).
Bên cạnh những kết quả tích cực như đã nêu trên, công tác tuyên truyền, vận động phát triển các đối tượng tham gia các loại bảo hiểm trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
|
Theo đó, huyện Ngọc Hồi có 1 xã khu vực III, 2 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Sa Loong, còn lại là các xã thuộc khu vực I, số lượng người được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ một phần mức đóng BHYT chỉ chiếm trên 30% dân số toàn huyện. Thêm vào đó, huyện Ngọc Hồi là địa phương có diện tích lớn, nhưng dân cư thưa thớt và tỷ lệ đồng bào DTTS cao (chiếm trên 53% dân số), cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo và trình độ hiểu biết của người dân về công nghệ thông tin còn hạn chế; hầu hết người dân chưa có điện thoại thông minh, hoặc điện thoại thông minh không phù hợp với yêu cầu cài đặt ứng dụng, tại các thôn làng hầu như không có sóng wifi nên việc triển khai đăng ký và cài đặt ứng dụng VssID (Bảo hiểm xã hội số) trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Duy Tẩn cho biết: Thời gian tới, BHXH huyện Ngọc Hồi tham mưu cho UBND huyện Ngọc Hồi tiếp tục quan tâm, huy động nguồn lực hỗ trợ, vận động người dân tham gia các loại bảo hiểm, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về các chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. BHXH huyện cũng sẽ thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết các chế độ bảo hiểm để nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ, giảm chi phí.
Phạm Thanh