Ngọc Hồi: Nỗ lực giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, qua đó giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng đời sống ngày càng phát triển.
Chúng tôi đến xã vùng biên Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) và nhận thấy rõ những đổi thay nơi này. Những ngôi nhà khang trang, kiên cố đã thay thế những ngôi nhà tạm ở các thôn đồng bào DTTS.
Anh A Tân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Cuộc vận động, xã đã triển khai mô hình xóa nhà tạm trên địa bàn. Trước đây, người dân thường có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước mới làm nhà. Với những hộ được xem xét hỗ trợ, vẫn có tư tưởng xem đây là nhà của Nhà nước nên không mặn mà trong việc đối ứng, cũng như không có trách nhiệm trong việc xây mới hay sửa chữa nhà ở.
|
Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND xã Sa Loong bàn bạc, thống nhất, phải thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề nhà tạm. Các buổi gặp gỡ vận động người dân xóa nhà tạm, lãnh đạo xã giải thích rõ về các đối tượng được hỗ trợ cũng như trách nhiệm của người dân trong việc cùng chính quyền địa phương xóa nhà tạm; tuyên truyền, thuyết phục người dân phát triển cây trồng, vật nuôi, vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ vậy, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã đã xóa khoảng 100 căn nhà tạm, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Không riêng việc thực hiện mô hình xóa nhà tạm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Sa Loong, người dân còn chủ động học cách làm chuồng trại trong chăn nuôi. Hơn 60% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị như cà phê, cây ăn quả. Cùng với đó, người dân trên địa bàn xã đã đẩy lùi những hủ tục, phong tục không còn phù hợp.
Cùng với xã Sa Loong, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã triển khai tốt Cuộc vận động và mang lại nhiều kết quả tích cực. Để đưa Cuộc vận động đi sâu vào cuộc sống của đồng bào DTTS, huyện Ngọc Hồi luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Cuộc vận động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thông qua các buổi chào cờ hàng tháng, họp thôn, sinh hoạt định kỳ của các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư; hệ thống loa truyền thanh, phóng thanh, qua mạng xã hội Zalo, Facebook.
Ông Đinh Cao Cường – Bí thư Huyện ủy Ngọc Hồi cho biết: Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang như Đảng ủy Quân sự huyện, Đảng ủy Công an huyện, các đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn đã làm tốt công tác phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
|
Đảng ủy Quân sự huyện triển khai tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động gắn với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; triển khai tuyên truyền Cuộc vận động với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Đảng ủy Công an huyện đã phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tự lực vươn lên thoát nghèo gắn với việc triển khai phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng và nhân rộng những mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gắn với việc bảo đảm an ninh trật tự, công tác dân vận của lực lượng công an nhân dân.
Cấp ủy các đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các xã biên giới triển khai tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể, sát thực với phương châm “ba bám, bốn cùng” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; coi trọng công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động gắn với việc triển khai có hiệu quả các mô hình, công trình, phần việc giúp dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, ổn định cuộc sống, củng cố giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, an toàn.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, các cấp, các ngành đã xây dựng được 151 mô hình phát triển kinh tế gia đình với tổng kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước cấp và các cơ quan hỗ trợ là 476 triệu đồng; các nguồn vận động là 422 triệu đồng; các hộ dân đóng góp 54 triệu đồng.
Với sự hiệu quả từ các mô hình mang lại, cùng sự sâu sát, giúp sức của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện, qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động đã giúp 241 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo; 564 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần hủ tục; 568 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện biết áp dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Văn Tùng