Ngày Biên phòng toàn dân
Một ngày cuối tháng 2, tôi nhận được lời mời dự Ngày hội Biên phòng toàn tại một xã biên giới. Không cần nói cũng biết tôi háo hức như thế nào. Bởi mấy năm rồi tôi chưa được dự ngày hội này, phần do sức khỏe, phần do chuyển vị trí công tác.
Đường biên giới thử thách sức chịu đựng của con người bằng những khúc cua ôm vòng hõm núi, những ổ gà, ổ voi xóc tung cả người. Nhưng thật đẹp bởi những vạt hoa lau tím ngắt và đào núi bình dị, như muốn khoe rằng Xuân còn ở nơi đây.
Trên đường đi, nghe mọi người trò chuyện về công tác chuẩn bị, tôi lại thấy như mình đang trong ngày hội ở xã biên giới Ia Đal xa xôi thuộc huyện Ia H’Drai ngày nào.
Hôm ấy, cũng là một ngày cuối tháng 2, một người anh công tác ở Đồn biên phòng Suối Cát (huyện Ia H'Drai) rủ rê "lên biên giới dự ngày hội biên phòng toàn dân". Thế là tôi khấp khởi khoác ba lô lên đường.
Chiếc xe bán tải biển đỏ leo lên đường tuần tra biên giới trong nắng gió sánh như mật, đặc trưng miền biên viễn phía Tây Nam. Hai bên đường, cờ Tổ quốc phấp phới bay trước những ngôi nhà vách ván, mái tôn. Ở miền biên viễn này, Ngày hội biên phòng toàn dân là một trong những ngày được bà con mong đợi nhất.
Vì vậy, từ trước đó khá lâu, bà con người Thái, người Mường từ xứ Thanh vào lập nghiệp đã thu xếp việc ruộng rẫy, chuẩn bị cho ngày hội.
|
Ngày hội đến. Từ sáng sớm, người dân đủ các lứa tuổi đã dồn về trung tâm xã để tham gia, theo dõi các hoạt động. Khu đất trống cạnh UBND xã đã được dọn dẹp sạch sẽ từ mấy ngày trước, hôm nay giăng đèn kết hoa, khán đài kê cao, rực rỡ cờ Tổ quốc.
Trong những cái ôm, cái bắt tay thật chặt, bà con nói biết ơn các anh bộ đội biên phòng lắm. Các anh không chỉ bảo vệ vững chắc biên giới, mà còn giúp đỡ khi hoạn nạn, sẻ chia khi vui buồn. Hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vận động trẻ em đến trường; tuyên truyền người dân ăn ở hợp vệ sinh.
Sau phần lễ, mọi người hào hứng xem các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”; cùng các chiến sĩ biên phòng tham gia các trò chơi dân gian. Màu quân phục xanh xen lẫn sắc chàm của người Tày, thổ cẩm rực rỡ của người Thái, Mường, Xơ Đăng. Niềm vui, nụ cười làm núi rừng bừng sáng.
Nhớ lại không khí ngày hội năm ấy, tôi càng náo nức. Điểm đến là một xã có biên giới giáp Lào. Được biết, trong năm qua, chính quyền xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng triển khai tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Phối hợp có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng các mô hình tự quản đường biên, mốc quốc giới, “Tổ tự quản an ninh trật tự” ở thôn, xóm; tổ chức cho các tập thể, hộ gia đình, cá nhân ký cam kết tham gia.
Các tổ tự quản an ninh đã phối hợp chặt chẽ với Công an xã, Quân sự và Đồn Biên phòng triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối trước, trong, sau các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện lớn của địa phương.
Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận và biểu dương!
Nhưng điều khiến tôi băn khoăn là, dù ngày hội biên phòng toàn dân ở đây được tổ chức khá bài bản, quy củ, có được sự nghiêm trang cần thiết, nhưng lại thiếu đi không khí ngày hội cần có.
Địa điểm bố trí ngày hội, thay vì một không gian mở, với các hoạt động mang tính “hội” (như văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao) nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi, thì lại được tổ chức trong hội trường, với số lượng người ít ỏi.
Phần nội dung vẫn không thoát khỏi “mô típ” chung: Đọc báo cáo; phát biểu ý kiến, khen thưởng, tặng quà. Nên khó có thể nói là phong phú, sinh động, vui tươi, sáng tạo, hiệu quả được.
Bộ đội Biên phòng Việt Nam, trước đây là Công an nhân dân vũ trang, được thành lập vào ngày 3/3/1952. Ngày 17/6/2003, Quốc hội khóa XI quyết định lấy ngày 3/3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân.
Xét theo quy định, việc tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân như trên là không sai. Tuy vậy, đối với một xã biên giới, Ngày Biên phòng toàn dân cần được quan tâm tổ chức với hình thức lễ-hội. Phần lễ nên ngắn gọn nhưng trang trọng, nêu bật ý nghĩa của Ngày Biên phòng toàn dân.
Nên có thêm phần hội, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với phong tục, tập quán của các dân tộc và thực tế địa phương để tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân, tránh tình trạng bà con háo hức rủ nhau đến, nghe diễn văn rồi… về.
Có thể tính đến việc tổ chức mít tinh, diễu hành quần chúng là cách làm rất thiết thực để góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia.
Tổ chức các buổi sinh hoạt trong cộng đồng để giáo dục ý thức bảo vệ biên giới quốc gia như: Nói chuyện về lực lượng Biên phòng cho học sinh; nói chuyện truyền thống trong Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ; tổ chức các buổi diễn văn nghệ, chiếu phim để chung vui giữa nhân dân và Bộ đội Biên phòng; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Bộ đội Biên phòng…
Trao đổi kinh nghiệm, phổ biến mô hình, cách làm hay trong quá trình thực hiện phong trào, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh.
Như vậy hẳn rằng, Ngày Biên phòng toàn dân sẽ thật sự ý nghĩa!
Hồng Lam