Ngăn chặn bệnh dại từ gốc
Tôi đã giật mình khi đọc thông tin Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói rằng “không nước nào người chết vì bệnh dại nhiều như Việt Nam”.
Việt Nam ghi nhận 887 ca tử vong do bệnh dại trong vòng 10 năm qua, riêng 3 tháng đầu năm nay, đã có 27 người chết vì bệnh dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng- Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nói tại Hội thảo tập huấn giám sát bệnh dại, diễn ra ở tỉnh Gia Lai ngày 22/3.
Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng cho thấy, số người tử vong do bệnh dại ở các tỉnh Tây Nguyên hiện cao nhất nước. Từ năm 2015 đến nay, khu vực Tây Nguyên có 110 ca tử vong do bệnh dại, trong đó nhiều nhất là tỉnh Gia Lai.
Trên địa bàn tỉnh, những năm qua, công tác phòng, chống bệnh dại luôn được tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo; được cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng quan tâm triển khai.
Trong đó có ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác tiêm phòng dại cho động vật; bố trí kinh phí truyền thông về phòng, chống bệnh dại; giám sát sự lưu hành của mầm bệnh dại; thực hiện thống kê, lập sổ theo dõi hộ đăng ký nuôi chó, cam kết tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo.
|
|
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chó, mèo chủ yếu được nuôi thả rông, không có chuồng trại; tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo rất thấp. Các địa phương triển khai phòng chống bệnh chưa quyết liệt, chưa đúng thời điểm và chưa sát thực tế.
Trong khi đó, ý thức và kiến thức phòng, chống bệnh dại của người dân còn hạn chế. Đa số trong các ca tử vong vì bệnh dại đều chưa được điều trị dự phòng bệnh sau khi bị chó cắn.
Thực trạng trên cũng cho thấy những bất cập trong công tác phòng, chống bệnh dại cần được quan tâm khắc phục, khi đã có hồi chuông cảnh báo mới đây.
Ngày 6/3, một con chó dại đã tấn công 16 con chó, 1 con mèo của 13 hộ dân ở thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy). 17 người trong thôn phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại; gần 90 con chó, mèo bị tiêu hủy, toàn bộ chó mèo còn lại trong thôn phải tiêm phòng dại.
Ngày 22/3, UBND tỉnh ban hành văn bản số 954/UBND-NNTN yêu cầu Công an tỉnh và các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống bệnh dại.
Trong đó, yêu cầu phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh; nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo.
Đồng thời xác định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của cơ quan y tế trong công tác phòng chống, tuyên truyền.
Thực tế cho thấy, chỉ khi người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình; thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi; không nuôi thả rông thì mới có thể tính đến chuyện ngăn chặn bệnh dại từ gốc.
Sông Côn