Nâng cao quyền năng kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới
Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp hội phụ nữ huyện Kon Plông đã tạo điều kiện giúp chị em phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, tự chủ cuộc sống, tự tin hướng đến bình đẳng giới trong gia đình và trong xã hội.
Sinh năm 2001, Y Diang (thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) đã lập gia đình và có 1 con. Từ trước đến nay, nghe nhiều câu chuyện vợ bị lệ thuộc, bị chồng đánh đập vì không làm ra tiền nên Y Diang luôn dặn lòng, phải nỗ lực, tự chủ kinh tế. Từ khi lấy chồng, Y Diang luôn cố gắng tìm cho mình một công việc để cùng chồng làm kinh tế, tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
Năm nay, khi được Hội LHPN thị trấn Măng Đen vận động tham gia mô hình Du lịch cộng đồng cải thiện sinh kế, tăng cường chăm sóc và phát triển trẻ thơ ở thôn Kon Vơng Kia, Y Diang mạnh dạn đăng ký tham gia. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn về cách làm du lịch, Y Diang bàn bạc và cùng chồng xây dựng homestay.
|
“Em nghĩ, ở Măng Đen, du lịch đang là lợi thế. Do đó, em bàn với chồng, mạnh dạn vay vốn, đầu tư làm homestay, phát triển dịch vụ để có nguồn thu cao hơn. Song song với việc mở homestay, em chủ động học, tích lũy kiến thức về việc quản lý phòng, kết nối với các dịch vụ khác để phục vụ du khách khi có nhu cầu. Học và vận dụng vào thực tiễn, em thấy mình tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Và từ khi mở đến nay, homestay của gia đình em cũng thường xuyên đón khách, đem lại thu nhập ổn định. Hiện tại gia đình em đang tiếp tục làm thêm 2 homestay khác. Em nghĩ, em sẽ nỗ lực hơn nữa để không bị lệ thuộc về kinh tế cũng như có điều kiện chăm lo cho gia đình”- Y Diang chia sẻ.
Là Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Măng Đen, chị Y Bé rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới. Ngoài việc làm gương, tuyên truyền về việc phòng chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, chị còn thường xuyên vận động chị em, hội viên phụ nữ làm kinh tế để không bị phụ thuộc. Chị cho biết, vừa qua, Hội LHPN huyện phối hợp với Dự án Plan tại Kon Tum ra mắt mô hình du lịch cộng đồng cải thiện sinh kế, tăng cường chăm sóc và phát triển trẻ thơ ở thôn Kon Vơng Kia, chị vận động 54 gia đình hội viên phụ nữ. Qua việc được tập huấn, hướng dẫn về việc triển khai các hoạt động phục vụ phát triển du lịch, nhiều chị em đã mạnh dạn áp dụng và tạo được nguồn thu nhập khá.
“Bản thân tôi cũng là một trong những thành viên trong mô hình. Ngoài việc được hỗ trợ thêm các vật dụng: chăn, nệm, gối để phục vụ cho việc làm homestay, tôi và các chị em còn được hỗ trợ rất nhiều về việc quảng bá, giới thiệu, thu hút khách, quản lý nguồn thu. Từ ngày 30/4 đến nay, trừ các chi phí, tôi cũng thu được hơn 10 triệu đồng từ homestay. Khi có nguồn thu ổn định, bản thân mình tự tin hơn trong việc chăm sóc cho các con” - chị Y Bé nói.
Không riêng ở thị trấn Măng Đen, ở xã Đăk Tăng, nhiều chị em cũng thay đổi, tích cực tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, kiếm thu nhập cho gia đình. Chị Y Phiếu - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Tăng cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có 378 hội viên. Những năm qua, để giúp các chị em có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao quyền năng kinh tế cho hội viên phụ nữ, Hội LHPN xã đã hướng dẫn, vận động chị em tham gia nhiều mô hình trồng sâm dây, nuôi gia súc, gia cầm; làm du lịch cộng đồng.
“Các chị tiếp cận mô hình làng du lịch cộng đồng rất nhanh và áp dụng vào thực tế rất hiệu quả. Khoảng 1 năm nay, nhiều hộ đón được rất nhiều đoàn khách và phục vụ rất chu đáo. Như gia đình chị Y Phải, có thêm nguồn thu đáng kể từ việc làm du lịch” - chị Y Phiếu chia sẻ.
|
Ngoài ra, Hội LHPN xã cũng đứng ra làm đầu mối kết nối, giúp các chị em trong xã tiêu thụ lá sâm dây. “Qua nhiều hoạt động, đến nay trên địa bàn xã còn 60 hộ phụ nữ nghèo/489 hộ. Nhìn chung, các chị đã nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong gia đình và xã hội, từ đó chủ động tham gia các mô hình phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình, nhờ vậy, tình trạng bạo lực được hạn chế nhiều” - chị Phiếu nói.
Thực hiện nội dung Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em (Nội dung thứ 2 trong Dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em), Hội LHPN huyện Kon Plông đã kịp thời tạo điều kiện giúp chị em phát triển kinh tế.
Chị Ngô Thị Na - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông thông tin, những năm gần đây, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, ra mắt 3 mô hình giúp chị em phát triển du lịch. Cùng với đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn chị em phụ nữ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hướng dẫn chị em biết cách vệ sinh, trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan để phát triển homestay. Ngoài ra, các cấp Hội cũng vận động chị em mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển chăn nuôi, phát triển các loại cây trồng phù hợp.
“Các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Tự chủ về kinh tế là bước khởi đầu vững chắc để phụ nữ tự tin hướng đến bình đẳng giới, do đó, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục nắm bắt, triển khai các mô hình thực tế, các cuộc vận động hiệu quả, giúp chị em nâng cao thu nhập” – chị Ngô Thị Na cho biết.
Hoài Tiến