Nâng cao năng lực quản lý và giải quyết các xung đột xã hội
Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ được tỉnh hết sức quan tâm là quản lý và giải quyết kịp thời các xung đột xã hội, qua đó, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, xung đột xã hội là một hiện tượng tất yếu của xã hội, tồn tại lâu dài trong lịch sử. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau về bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa thì tính chất, đặc điểm của xung đột xã hội sẽ khác nhau.
Trong khoa học quản lý, quan niệm xung đột xã hội là những mâu thuẫn, bất đồng, hay khác biệt về nhận thức, ý chí, quan điểm, lợi ích dẫn đến những va chạm, đấu tranh với những hình thức và mức độ khác nhau giữa hai hay nhiều bên, nhóm xã hội. Tuy nhiên, không phải mâu thuẫn, bất đồng nào cũng dẫn đến xung đột xã hội mà chỉ có những mâu thuẫn, bất đồng không thể dung hòa dẫn đến các hành vi đấu tranh, có va chạm, tranh chấp giữa các cá nhân, các nhóm xã hội mới hình thành xung đột xã hội.
|
Qua khảo sát thực tiễn trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2000-2020, đã có khoảng 95 vụ việc mâu thuẫn, xung đột. Trong đó, liên quan vấn đề đất đai quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp quyền sử dụng đất; mâu thuẫn nội bộ. Các vụ việc trên, liên quan nhiều đến vấn đề đất đai mà chủ yếu là mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên về quyền sở hữu; giá trị kinh tế liên quan đến sang nhượng, thu hồi; nơi có các công trình, dự án, công ty, lâm nông trường thì thường nảy sinh các vụ việc liên quan đến lợi ích giữa người lao động và công ty, lâm nông trường. Có thể nói, xung đột xã hội ở tỉnh ta thời gian qua diễn ra ở khắp các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, với các mức độ biểu hiện, tính chất, quy mô, lực lượng, không gian, thời gian khác nhau.
Để có cơ sở nghiên cứu, đánh giá việc quản lý và giải quyết các xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh, mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì xây dựng Đề tài “Nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đề tài đã hệ thống các vấn đề lý luận về xung đột xã hội, quản lý xung đột xã hội; phát triển lý luận về nhận diện và ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay, dự báo tình hình xung đột trên địa bàn tỉnh thời gian đến; thông qua kết quả đề tài đã xây dựng được hệ thống các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhận diện, ngăn chặn xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025; dự thảo văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý xung đột xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh áp dụng trong thực tiễn.
|
Ông Đặng Thanh Long cho rằng, từ thực tế và cơ sở lý luận Đề tài của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho thấy, những bài học kinh nghiệm trong phòng ngừa, không để phát sinh các vụ việc thì cần minh bạch trong công tác quản lý sử dụng đất; quan tâm chính sách an sinh xã hội nhất là chính sách về đất ở, đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào DTTS; tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân; các doanh nghiệp sử dụng đất cần gắn lợi ích, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp với chính sách an sinh xã hội phù hợp với địa phương nơi mình sử dụng đất.
Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu phải nhất quán, thường xuyên, quyết liệt và kịp thời; kiên trì với công tác tuyên truyền và gắn kết công tác tuyên truyền với công tác vận động quần chúng theo một nội dung nhất quán do cơ quan tuyên giáo cấp ủy chuẩn bị; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các đối tượng chống đối theo vụ án cụ thể phải đúng pháp luật; thường xuyên củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Là một tỉnh miền núi, vùng cao, DTTS, tôn giáo và biên giới, tỉnh ta có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng - an ninh. Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều vấn đề mới phát sinh chính từ trong quá trình xây dựng và phát triển; trong đó các mối quan hệ xã hội nhất là quan hệ tộc người có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền và xã hội gây nên những xung đột xã hội và điểm nóng chính trị xã hội. Do đó, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xung đột xã hội sẽ giải tỏa các mâu thuẫn, chủ yếu mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần hài hòa lợi ích trong quá trình phát triển bền vững tỉnh nhà.
Quốc Tuấn