Năm học mới ở vùng sâu
Nhìn những phụ huynh học sinh ở xã vùng sâu kiên nhẫn đứng đợi con trước cổng trường trong ngày tựu trường (26/8) của năm học mới 2024-2025, tôi đã quyết định phải kể về câu chuyện hôm ấy.
Nếu có ai hỏi, điều gì ấn tượng nhất với bản thân trong mấy ngày qua, tôi sẽ chọn hình ảnh cô trò nhỏ ở xã vùng sâu xúng xính áo váy mới đến trường sau kỳ nghỉ hè.
Hôm ấy, sau nhiều ngày mưa dầm dề, u ám, núi rừng bỗng nhiên hửng nắng, xóa tan khoảng không mệt mỏi đang bao trùm lên những mái nhà. Các con đường qua suối, qua rừng tới trường chưa khô ráo, có nơi còn ngập nước, nên các em phải đi từ rất sớm.
Trường nằm ở trung tâm xã, trên một ngọn đồi. Những ngày đông, trường như chìm giữa một biển mây bồng bềnh. Nắng lên, tan mây, đứng ở điểm trường này là nhìn thấy bên kia biên giới.
Hàng ngày, đường đến trường của nhiều em học sinh ở các thôn làng men theo bìa rừng, những thửa ruộng bậc thang nối nhau, vắt từ dãy núi này sang dãy núi khác, uốn lượn trong sương.
Còn hôm nay là ngày tựu trường, nên các em được bố mẹ đưa đi. Ở cổng trường, tôi thấy một ông bố đứng tần ngần bên chiếc xe máy bê bết bùn đất. Anh đang dõi theo con mình vui chơi với bạn bằng ánh mắt thương yêu.
|
“Từ nhà tôi đến trường khá xa, nên tôi phải đưa cháu đi. Có mấy đoạn đường vẫn bị ngập nước, hoặc đầy bùn nên quần áo lấm lem hết cả. Công việc ở nhà cũng đang bộn bề lắm, nhưng phải tạm gác sang một bên để đưa cháu đến lớp anh ạ”- anh kể.
Mặc cho bùn đất dính đầy chân, các em nhanh chóng nhập hội với nhau. Ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ hè thật vui. Lũ học trò vùng sâu vẫn đi những đôi dép tổ ong đã rách, vẫn mặc những bộ đồng phục cũ, nhưng không thiếu vắng tiếng cười đùa và những trò nghịch ngợm của tuổi “nhất quỷ, nhì ma”.
Bình thường thôi mà- hẳn sẽ có người nghĩ vậy. Bởi theo lịch của ngành Giáo dục tỉnh, bắt đầu từ sáng 26/8, tất cả các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào năm học mới, trừ học sinh lớp 1 đã có thời gian đến trường làm quen trước đó.
Và tất nhiên, học sinh vùng sâu cũng vậy, không có ngoại lệ!
Tuy nhiên, hãy nhìn vào gương mặt phụ huynh, ta sẽ thấy ở đó in hằn dấu vết của sự vất vả, khó khăn mà cuộc sống để lại. Dù vậy họ đã nỗ lực một cách vui vẻ và hạnh phúc chắt chiu, dành dụm để chuẩn bị quần áo, sách vở, bút mực cho con em bước vào năm học mới.
Hãy nhìn những gương mặt tươi tắn của học sinh, ta sẽ thấy ở đó sự hồi hộp xen lẫn háo hức đầy chờ mong. Như cô bé nhắc đến ở trên, vừa cẩn thận lựa bước qua vũng bùn lầy lội, em vừa vẫy tay chào bạn bè, cười tươi roi rói.
|
Đến sớm hơn cả là những thầy, cô giáo. Để chuẩn bị cho năm học mới, từ nhiều ngày trước, các thầy, cô đã dầm mưa cùng bộ đội, công an, phụ huynh thu dọn, lau rửa phòng học, dọn cỏ sân trường, trang trí trường lớp. Cứ thế vất vả từ sáng sớm đến chiều tối.
Đêm về, thầy cô lại phân công nhau đến các thôn, từng nhà vận động các em đến trường. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân vẫn quan niệm “con chữ không no được cái bụng như làm ruộng, làm rẫy”, nên học sinh vắng học, nghỉ học thường xuyên.
Cứ thỉnh thoảng là có vài đứa không đến lớp. Chỉ cần học sinh vắng đến buổi thứ hai mà không thấy có lý do là thầy cô giáo lại lặn lội xuống làng, tìm đến tận nhà học sinh tìm hiểu, thuyết phục. Một lần, hai lần, ba lần không được, thầy cô phải nhờ đến già làng, chính quyền hỗ trợ.
Để giữ học sinh lại với trường, các thầy cô giáo còn tìm cách giúp đỡ học sinh của mình. Em nào thiếu quyển vở, cây bút, cái cặp, thậm chí là đôi dép, bộ quần áo, các thầy cô đều cố gắng gom góp hoặc vận động hỗ trợ.
Không thể tính được các thầy cô giáo đã đi bao đêm, vượt bao suối, bao đồi mới duy trì được sĩ số học sinh cho lớp học. Người già trong làng vẫn nói, mồ hôi của cô giáo nhiều hơn cả sương đêm trên núi.
Và vui thay, sự vất vả ấy được đền đáp bằng con số ấn tượng ngày tựu trường. Mặc dù trời mưa, nhiều đoạn đường vẫn ngập trong nước, nhưng tỷ lệ học sinh đến lớp ngày đầu vẫn đạt gần 100%.
Trước cổng trường tôi gặp một người quen. Hôm nay, cùng những đồng nghiệp khác, cô giáo H. đến lớp từ 6 giờ sáng để đón học sinh.
Sẽ nhiều việc lắm đây- cô cười- Sau khi nhận lớp, ổn định tổ chức xong, việc đầu tiên mà em làm sẽ là nắm lại hoàn cảnh của từng em học sinh để từ đó có kế hoạch giúp đỡ cụ thể.
Nhìn các em học sinh xúm xít quanh cô giáo trẻ, mấy ai biết được rằng, ngày vào đây nhận công tác, nhìn rừng núi âm u, nhà cửa lác đác bên sườn núi, trường lớp tạm bợ, dụng cụ dạy học thiếu thốn, số học sinh thường xuyên bỏ học khá nhiều, cô đã định… bỏ về.
Nhưng cứ nhìn những đôi mắt đen sáng lên khi viết được một chữ hay làm xong một phép tính lại thấy thương, thấy gắn bó với nghề, rồi tự động viên mình ở lại vì “ai cũng chọn nơi đô thị thì nơi khó khăn hẻo lánh này ai sẽ tới mang chữ cho các em”.
Bây giờ em chẳng muốn đi đâu nữa. “Lên đây thì ở lại đây. Bao giờ bén rễ xanh cây mới về”- cô cười. Tiếng cười thanh thoát như chuông bạc.
Trời vừa hửng nắng được ít lâu lại kéo mây xám xịt và bắt đầu mưa. Những bậc phụ huynh nghi ngại nhìn nhau, hẳn họ nghĩ đến đoạn đường về, nhưng không có một tiếng phàn nàn. Họ vẫn kiên nhẫn đợi.
Kể từ lúc ấy, tôi đã quyết định phải kể về ngày đầu tiên của năm học mới ở vùng sâu. Niềm vui năm học mới không phân biệt vùng thuận lợi hay khó khăn. Và các em xứng đáng được hưởng niềm vui trọn vẹn ấy.
Hồng Lam