“Muốn thoát nghèo phải thay đổi nếp nghĩ”
Sáng tháng Năm, trời trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh. Bên dưới, những vạt cà phê phủ kín sườn đồi cũng xanh mướt mắt, hòa với nền trời. Tôi và A Nghi đứng ngắm mãi khung cảnh đẹp đẽ ấy. “Nếu không dám thay đổi nếp nghĩ, chắc giờ mình vẫn còn nghèo”- A Nghi nói.
|
Giờ A Nghi giàu rồi ấy chứ- tôi nói- Này nhé, 3ha cà phê đã cho thu hoạch, gần 1ha ao cá; còn trồng rau, nuôi gà, vịt; nhà cừa khang trang; xe máy, tivi, tủ lạnh, đủ cả. A Nghi cười hiền.
Nhìn A Nghi hoạt bát, nói chuyện vui vẻ mà tâm trí tôi như trở về căn nhà lụp xụp, te tướp núp bên cạnh nhà rông làng của cách đây vài năm.
Gọi là nhà, nhưng chỉ như căn lán nhỏ, vách le, mái lá nằm nép dưới tàng cây trứng cá, bốn phía trống hoác. Căn lều ấy là nơi trú ngụ của vợ chồng A Nghi và bầy con nheo nhóc, cứ bám lấy chân gã đàn ông nhàu nhĩ, mắt lờ đờ vì rượu.
Ngày ấy, A Nghi hay say rượu, chẳng chịu làm ăn như đàn ông, con trai nhà khác, nên nghèo mãi. Nhưng bây giờ A Nghi thay đổi rồi, không còn là một gã đàn ông lôi thôi, nhàu nhĩ, trong người lúc nào cũng có rượu nữa.
Nhắc lại chuyện cũ, A Nghi ngượng nghịu: May mà cán bộ xã, thôn đến tận làng vận động trồng cà phê xứ lạnh, vay vốn làm ăn. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ đấy.
Cũng đồng đất ấy, con người ấy, mà bao nhiêu năm qua, người dân vẫn đói, vẫn nghèo. Vì sao vậy? Vì bà con không siêng năng ư? Không đúng, vì trừ một số ít người, đa phần còn lại đều cần cù, chịu khó.
Vậy thì vấn đề là ở nếp nghĩ, ở cách làm, ở tư tưởng. Khi người ta vẫn quen với cái nghèo, vẫn thấy mình nghèo là do trời, từ đó không dám nghĩ đến chuyện sẽ có một ngày thoát nghèo, thì sẽ còn nghèo mãi.
Đấy nhé, như ở làng, có thời tiết lạnh và mát mẻ quanh năm, thuận lợi để phát triển một số loại cây trồng ưa lạnh, cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, như rau quả, hoa, chè, cà phê, cây dược liệu.
Trong thời gian qua, tuy chính quyền các cấp đã quan tâm, bố trí nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo thông qua các mô hình sản xuất, nhưng suy cho cùng, khi bà con vẫn giữ nếp nghĩ cũ, cách làm cũ thì khó mà duy trì và nhân rộng mô hình.
Quanh đi quẩn lại, bà con vẫn quen thả hom mì, gieo lúa rẫy trên đồi, gieo đám lúa nước ven suối. Vườn nhà gần như bỏ đất trồng, nếu có trồng được vạt rau thì cũng bị con gà, con heo thả rông ăn hết.
Cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện thoát nghèo, ngược lại, còn nảy sinh tư tưởng “không muốn thoát nghèo” để nhận chính sách của Nhà nước. Càng không nói gì đến chuyện biết vay vốn và dám vay vốn làm ăn.
Thế rồi, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” lan tới làng, giống như làn gió mới xua đi lớp sương mù buổi sáng vậy. Toàn cái mới cả. Dân làng được nghe, được bàn nhiều về chi tiêu hợp lý để tích lũy; về áp dụng các mô hình sản xuất, các loại cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao; về tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.
Phải đuổi cái nghèo đi thôi. A Nghi sợ nghèo lắm rồi. Không chỉ A Nghi sợ nghèo, thèm được thoát nghèo; còn nhiều hộ nghèo trong làng cũng mong muốn được hỗ trợ để thoát nghèo.
Nhưng trước hết, cần phải thay đổi nếp nghĩ cũ, thói xấu cũ đã. Bắt đầu từ việc uống nhiều rượu. Ở làng, người già ở bên bếp lửa nhà mình uống rượu, lũ thanh niên cũng tụ tập uống rượu. Rượu làm đầu óc mụ mị, không nghĩ ra được cái hay, cái mới; không có khao khát vươn lên.
Với sự vận động của cán bộ, của già làng, A Nghi quyết tâm bỏ rượu để làm gương. Nhiều người không tin, nhưng A Nghi lại làm được, tất nhiên là rất khó, nhiều ngày, nhiều đêm phải đấu tranh với cơn thèm rượu. Sau đó, hầu hết đàn ông trong làng cũng ít uống rượu và không uống rượu say nữa, có chuyện vui cũng uống vừa đủ, còn tỉnh táo để làm việc.
Tiếp đó là phải mạnh dạn vay vốn để làm ăn. Vì chỉ có vốn mới có thể phát triển sản xuất để thoát nghèo. Đây là chuyện mới, nên dân làng e dè lắm. Trước đây ít năm thôi, có mấy ai nghĩ ra, mà có nghĩ ra thì cũng không dám đâu, vì sợ bị mất vốn, lấy gì trả cho Nhà nước.
Như bố của A Nghi, từng được vận động vay vốn để nuôi heo, nhưng lên nhận tiền về, chẳng biết làm gì, nếu để giữ trong nhà không mất trộm thì cũng mua thịt ăn, mua rượu uống hết, nên lấy túi nilon bọc lại, bỏ vào ống le gác lên gác bếp, chờ đến ngày trả cho Nhà nước. Ai ngờ có lần bị cháy nhà, mất hết.
A Nghi không kể về việc giải quyết hậu quả vụ cháy tiền vay thế nào, nhưng tôi đinh ninh rằng câu chuyện phản ánh một sự thật rằng, nhận thức của bà con về làm ăn còn hạn chế quá, nên đói nghèo đeo bám mãi.
Trở lại chuyện vay vốn. A Nghi và bí thư chi đoàn thôn lại đi trước làm gương. Họ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua phân bón cho lúa; chuyển một phần đất trồng mì sang trồng cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu; mua trâu về nuôi.
Thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức thì đi học hỏi ở các làng khác; tham gia các lớp tập huấn do Nhà nước mở ở xã. Ban đầu chưa biết, chưa hiểu, cán bộ kiên trì chỉ dẫn thì sẽ hiểu.
|
Cứ như thế, bắt đầu có vài người làm theo, sau đó thêm nhiều người nữa mạnh dạn đến học hỏi và áp dụng. Ở làng đã có hộ khá lên từ cà phê, dược liệu, nên những hộ khác cũng chịu khó làm ăn hơn. Cũng không ai muốn mâm cơm hàng ngày của nhà mình chỉ có muối, măng, rau rừng cả.
Trước đây, đất sản xuất ở làng chỉ trồng mì, với gieo lúa, nay phần lớn trồng cà phê xứ lạnh, một phần trồng sâm dây, đương quy. Trâu bò thì lùa về nuôi nhốt chứ không thả rông trong rừng nữa.
Giờ nhiều nhà có cà phê, trồng cây dược liệu. Nông sản, dược liệu làm ra, được chính quyền liên hệ với doanh nghiệp vào thu mua với giá ổn định, đem lại thu nhập cao. Bởi vậy mới nói, muốn thoát nghèo phải thay đổi nếp nghĩ đã- A Nghi khẳng định.
Hồng Lam