Mức độ hài lòng của người dân là thước đo cải cách hành chính
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh xác định mục tiêu cải cách hành chính (CCHC) là vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả CCHC.
Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định vị trí trung tâm của người dân trong CCHC và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đặt ra yêu cầu trong quá trình thực hiện CCHC phải lấy người dân làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Với quyết tâm chính trị cao, nhiều giải pháp thúc đẩy CCHC được triển khai đồng bộ và hiệu quả, từng bước kiến tạo môi trường hành chính minh bạch, hiệu quả và tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, lĩnh vực cải cách thể chế được quan tâm đặc biệt. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc khâu thẩm định, tự kiểm tra theo quy định, theo thẩm quyền.
|
Kịp thời công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Chỉ đạo thực hiện rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới và đã được xử lý sau rà soát.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc kịp thời ban hành Quyết định công bố TTHC nội bộ; công bố danh mục TTHC ban hành mới; chuẩn hóa; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát các quy định, chỉ đạo về CCHC của cấp có thẩm quyền, nghiên cứu những vấn đề được phát hiện và khắc phục hạn chế, thiếu sót.
Đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa TTHC, giảm mạnh giấy tờ, biểu mẫu, tờ khai không cần thiết, làm khó hoặc gây phiền hà, mất thời gian, công sức của người dân, tổ chức. Tăng cường các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức trong việc chuẩn bị hồ sơ TTHC.
Thực hiện tốt việc công bố, công khai, minh bạch đầy TTHC theo quy định. Người dân, doanh nghiệp được theo dõi, đánh giá quá trình giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, kịp thời phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đối với việc giải quyết TTHC giải quyết chưa đúng quy định.
Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, đã tiếp tục triển khai thực hiện phương án tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh đối với 23 TTHC (cấp tỉnh 19 thủ tục; cấp huyện 04 thủ tục).
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh (từ ngày 1/10/2024 đến ngày 30/6/2025), tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và công sức đi lại cho người dân và cả cơ quan hành chính nhà nước.
Kết quả là, theo công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ, năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh ta xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2022; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính xếp hạng thứ 35/63, tăng 7 bậc so với năm 2022.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến hiệu quả CCHC, cũng như tác động đến mức độ hài lòng của người dân.
Bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu cập nhật, số hóa hồ sơ.
Còn tình trạng niêm yết, đăng tải công khai các mẫu đơn, tờ khai hoặc các quy định đã hết hiệu lực; không đúng quy định, nhất là biểu mẫu về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.
Thời gian giải quyết đối với các TTHC thuộc thẩm quyền vẫn còn tình trạng chậm trễ, quá hạn. Công tác tiếp công dân có lúc có nơi còn chưa chủ động và tích cực.
|
Mới đây, ngày 25/10, UBND tỉnh có văn bản số 3845/UBND-NC yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương xử lý các vấn đề còn tồn tại qua khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Trong đó, tổ chức phân tích, đánh giá cụ thể những mặt đã làm được, những hạn chế, thiếu sót. Từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số hài lòng, giao nhiệm vụ và chỉ tiêu phải đạt cụ thể đến từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc để nâng cao sự hài lòng của người dân.
Theo ông Trịnh Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cần nghiêm túc thực hiện đánh giá tác động TTHC trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm TTHC được quy định đúng thẩm quyền, hợp lý.
Khẩn trương thực hiện rà soát trình công bố đầy đủ TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; xác định đúng phạm vi, thẩm quyền ban hành TTHC nội bộ để rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Kiên quyết khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, quá hạn. Đảm bảo 100% hồ sơ TTHC để chậm, quá hạn đều phải có phiếu xin lỗi và báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động của đội ngũ công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan trong việc giải quyết TTHC quá hạn làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân.
Hồng Lam