Một giờ cho trái đất
Giá trị và ý nghĩa lớn lao của Giờ Trái đất không phải đến từ việc tiết kiệm được bao nhiêu kWh điện hay bao nhiêu tiền, mà là sự lan tỏa và tiếp nối hành động vì cuộc sống tốt đẹp hơn ở mỗi người và cả cộng đồng.
Giờ Trái đất (tên tiếng Anh: Earth Hour) là một sự kiện thường niên được tổ chức với quy mô toàn cầu do Quỹ Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - World Wildlife Fund) khởi xướng.
Bắt nguồn từ sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại Sydney 2007, Giờ Trái đất đã trở thành phong trào toàn cầu hàng năm về bảo vệ môi trường, nơi các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới cùng lên tiếng về tác động của biến đổi khí hậu, mất tài nguyên thiên nhiên.
Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm điện năng bảo vệ môi trường, chủ động ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Hướng tới một trái đất xanh sạch đẹp, đa dạng sinh học và giảm thiểu tình trạng suy giảm môi trường sống của sinh vật.
Năm 2009, Chiến dịch Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên tại nước ta chỉ với 6 tỉnh, thành phố tham gia. Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh thành và hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức đã tham gia Chiến dịch hằng năm.
Kon Tum tham gia Giờ Trái đất từ năm 2011, với việc Sở Công thương ban hành văn bản số 213/SCT-QLNL ngày 4/3/2011 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất trên địa bàn tỉnh.
Sự kiện tắt đèn trong vòng một giờ hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024 diễn ra từ 20h30’ đến 21h30’, thứ Bảy, ngày 23/3/2024, với thông điệp “Giảm dấu chân carbon - Hướng tới Net Zero”.
“Giảm dấu chân carbon” đồng nghĩa với giảm phát thải, là một trong những yếu tố tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây cũng là “vũ khí” giúp ứng phó với biến đổi khí hậu - thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt.
Sáng 24/3, báo chí đưa tin, theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3/2024), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng).
Năm 2023, sau 1 giờ tắt đèn, cả nước đã tiết kiệm được 298.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng).
Ở tỉnh ta chưa có số liệu mới của Giờ Trái đất 2024, nhưng năm 2023, trong 1 giờ diễn ra sự kiện Giờ Trái đất (từ 20h30’ đến 21h30’ ngày 25/3) đã tiết giảm được khoảng 2.400kWh, tương đương số tiền hơn 4,47 triệu đồng (tính theo giá điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh).
|
|
Khi Giờ Trái đất 2024 bắt đầu, tôi tắt hết bóng điện trong nhà, và… ra đường. Tuy nhiên, tôi đã bắt gặp thấy những hình ảnh “trái ngược”.
Đó là trên cùng tuyến đường, có những ngôi nhà nằm im lìm trong bóng tối, bởi chủ nhân đã tắt hết bóng đèn, nhưng nhà bên lại sáng trưng bởi những bóng điện chiếu sáng có công suất lớn.
Đó là có những trụ sở cơ quan chỉ để lại vài bóng đèn chiếu sáng vừa phải phục vụ công tác bảo vệ, nhưng cũng không ít trụ sở sáng trưng.
Và trên nhiều tuyến phố chính, hàng cột đèn chiếu sáng công cộng vẫn hoạt động hết công suất. Quán xá, biển quảng cáo vẫn sáng rực, với đủ loại bóng to, bóng nhỏ, đèn led, đèn nháy.
Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động về Giờ Trái đất vẫn còn có vấn đề. Ý thức tham gia của mỗi người, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cũng cần được nâng cao hơn.
Như rất nhiều người, tôi cho rằng, giá trị và ý nghĩa lớn lao của Giờ trái đất không phải đến từ việc tiết kiệm được bao nhiêu kWh điện hay bao nhiêu tiền, mà là sự lan tỏa và tiếp nối hành động vì cuộc sống tốt đẹp hơn ở mỗi người và cả cộng đồng.
Nghĩa là với hành động đơn giản ấy, chúng ta có thể biến một Giờ Trái đất thành hàng nghìn, hàng triệu giờ hành động và tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ trái đất.
Nghĩa là sau Giờ Trái đất, chúng ta có thể hình thành thói quen tắt các thiết bị sử dụng điện không cần thiết, từ đó thực hành tiết kiệm điện bất cứ lúc nào có thể.
Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở việc tắt đèn 1 giờ mỗi năm mà là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhau hành động, cùng nhau bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sống.
Và không chỉ tắt đèn, từ Giờ Trái đất, chúng ta có rất nhiều cách thức khác nhau giúp bảo vệ môi trường, bao gồm sử dụng các thiết bị gia dụng công nghệ cao, tiết kiệm điện năng; giảm thiểu rác thải.
Đây cũng là một điều cần nhắc nhở. Nhiều người tham gia Giờ Trái đất đã ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường bằng việc làm đơn giản cùng gia đình ra đường để không dùng điện trong vòng một giờ. Nhưng dáng tiếc, họ lại xả rác ra đường.
Tối 24/3, trên vỉa hè đường Trần Phú, một nhóm bạn trẻ ngồi… nhậu. Lý do là trong nhà đang tắt đèn hưởng ứng Giờ trái đất. Rất hay và ý nghĩa.
Nhưng khi tàn cuộc, mọi người về nhà, bỏ lại một “bãi chiến trường”, với ngổn ngang vỏ lon bia, giấy lau, thức ăn thừa. Tất nhiên là việc dọn dẹp lại phải đến tay các công nhân môi trường.
Rõ ràng là, việc tham gia Giờ Trái đất là lúc mỗi người trong chúng ta suy ngẫm về tác động lâu dài của mỗi hành động, cũng như cách để cùng nhau tạo ra sự thay đổi.
Để một giờ đồng hồ tắt đèn trong Giờ Trái đất có ý nghĩa hơn, đừng chỉ tắt đèn vì những lời kêu gọi hưởng ứng, hay để hòa cùng đám đông.
Cũng đừng ích kỷ với lối suy nghĩ rằng 'Tôi xài điện và tôi trả tiền, không ai cho tôi cả, nên tôi thích xài bao nhiêu, xài như thế nào là quyền của tôi. Đừng dạy tôi phải làm như thế nào”.
Hãy nghĩ rằng, một giờ này là vì trái đất!
Hồng Lam