Mong sớm được giải quyết dứt điểm
Mặc dù người dân xã Kroong (thành phố Kon Tum) nhiều lần kiến nghị về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất mà họ đang sản xuất ở xung quanh vùng đập Đăk Sa Men, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo người dân ở thôn Trung Nghĩa Tây của xã Kroong (thành phố Kon Tum), nhiều năm nay, họ đã khai hoang và sản xuất ổn định ở xung quanh khu vực đập Đăk Sa Men. Để yên tâm sản xuất, người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp tạo điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn nhiều hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mảnh đất mà họ đang sản xuất.
Cũng theo người dân, hầu hết những trường hợp này thuộc diện di dời lòng hồ thủy điện Ya Ly. Diện tích đất sản xuất trước đây của họ nằm ở vùng ngập lòng hồ, bà con không có đất sản xuất nên đã đến khu vực vùng đập Đăk Sa Men khai hoang để có thêm diện tích sản xuất. Từ đó đến nay, người dân vẫn sản xuất ổn định và không có tranh chấp. Tuy nhiên, khi người dân đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì lại gặp phải khó khăn, vướng mắc mà cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
|
Anh Nguyễn Văn Hường (trú tại thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong) cho biết: Nhà tôi có khoảng 3,5ha nằm trong khu vực đập Đăk Sa Men, nối với đường bê tông. Ngày trước, tôi trồng cao su được 10 năm, sau đó, chuyển qua trồng chanh dây, sầu riêng và cà phê. Mặc dù ý kiến từ nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn chưa thể giải quyết.
Còn ông Nguyễn Quang Tuấn (trú tại thôn Trung Nghĩa Tây, xã Kroong) cho biết thêm: Tháng 10/1997 tôi đi theo diện di dời lòng hồ thủy điện Ya Ly. Lúc đó, chính quyền cấp cho mỗi hộ khoảng 400m2 đất thổ cư, 1.100m2 đất trồng cây lâu năm. Nhưng vì diện tích ít, cùng với đó là áp lực kinh tế nên tôi và nhiều hộ dân tại đây mới bắt đầu khai hoang thêm để tăng thêm diện tích cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập.
Theo anh Tuấn, ngày trước, khu vực lòng hồ Đăk Sa Men là một con suối, sau này mới đắp đập để làm thủy lợi. Người dân di cư thấy khu vực rừng hoang thì bắt đầu khai hoang, làm đất sản xuất. Sau một thời gian canh tác ổn định thì người dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền không đồng ý với lý do là đất của lâm trường.
Tương tự, ông A Bưởi (trú tại xã Kroong) chia sẻ: Hiện tại, tôi có khoảng 7 sào đang trồng cà phê và cao su tại khu vực đập Đăk Sa Men. Tôi đã nhiều lần xin chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn chưa được. Vì không có giấy chứng nhận, nên tôi cũng không thể cầm cố miếng đất để vay vốn tăng gia sản xuất.
|
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Nhiên- Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết: Đối với nội dung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại khu vực liền kề đập Đăk Sa Men, trước đây vào năm 1997 Nhà nước có chủ trương đầu tư trồng rừng phòng hộ tại khu vực trên đồi đập Đăk Sa Men để bảo vệ hệ sinh thái và đập Đăk Sa Men. Tuy nhiên, sau này căn cứ vào báo cáo kiểm kê, thống kê đất đai, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất thì trên địa bàn xã hiện nay không có diện tích đất rừng.
“Xã cũng đã kiến nghị UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xác thực lại nội dung trên, tránh trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc đất lâm trường để UBND xã có cơ sở lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đúng quy định”- ông Nhiên cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Kon Tum cho biết: Đây là vấn đề lịch sử từ nhiều năm nay. Hiện, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố Kon Tum có văn bản gửi trung tâm lưu trữ tỉnh để sao lục hồ sơ lưu trữ để xác định khu vực người dân đang sản xuất ở đập Đăk Sa Men đã được đền bù, hỗ trợ hay chưa. Trong trường hợp, xác định đã được đền bù hỗ trợ thì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được. Còn nếu là đất người dân khai hoang nằm ngoài cao trình và mốc giới chưa được hỗ trợ, đền bù thì đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hà Nam