Mô hình Tổ hợp tác “Bể bơi thanh niên” ở thị trấn Đăk Hà
Đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2016, mô hình Tổ hợp tác “Bể bơi thanh niên” ở tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) đã trở thành điểm vui chơi an toàn, lành mạnh của đông đảo thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Thiếu sân chơi cho trẻ em trong ngày hè và nạn đuối nước ở trẻ là nỗi lo của không ít bậc phụ huynh khi mà hàng ngày ở đâu đó có rất nhiều vụ đuối nước xảy ra, nhất là khu vực nông thôn.
Theo thống kê, đuối nước hiện được xác định là nguyên nhân đứng thứ hai (sau tai nạn giao thông) trong nhóm nguyên nhân gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em mà nguyên nhân chính là do trẻ không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Xuất phát từ thực tế các vụ đuối nước gây tử vong trên địa bàn huyện, nhóm cán bộ đoàn thanh niên ở cơ sở gồm anh Võ Anh Tuấn - Bí thư Đoàn cơ sở thị trấn Đăk Hà, anh Trần Mạnh Liễu - Bí thư chi đoàn tổ dân phố 6 (thị trấn Đăk Hà), chị Hoàng Thị Nhàn - Bí thư Đoàn trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Đăk Hà) cùng bàn bạc và đi đến thống nhất góp vốn tạo lập mô hình Tổ hợp tác “Bể bơi thanh niên” để các em nhỏ trên địa bàn có sân chơi, có điều kiện làm quen với môi trường nước và được học bơi, giúp các em có được những kỹ năng cần thiết để ứng phó được trong môi trường nước khi gặp sự cố xảy ra.
Anh Trần Mạnh Liễu cho biết, vì là bể bơi thanh niên được mở đầu tiên trên địa bàn huyện nên trước khi xây dựng mô hình, bản thân anh và các thành viên trong Tổ hợp tác đã trực tiếp đi tìm hiểu nhiều mô hình bể bơi ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm, cách thức tổ chức, xây dựng mô hình, bản thân các thành viên tổ hợp tác còn tham gia khóa tập huấn hướng dẫn viên bơi lội và cứu hộ do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức.
Sau khi trang bị đầy đủ kiến thức, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết, cuối tháng 12/2016, mô hình Tổ hợp tác Bể bơi thanh niên được thành lập.
Để đầu tư xây dựng mô hình, các thành viên trong Tổ đóng góp 350 triệu đồng vốn ban đầu để thuê mặt bằng (gần 400m2), làm mái vòm, mua 2 bể bơi di động, đầu tư hệ thống máy bơm nước, máy lọc nước tuần hoàn, máy hút bẩn để bảo đảm an toàn vệ sinh; đồng thời trang bị các dụng cụ phục vụ bơi lội như quần áo bơi, phao bơi, ván bơi, mũ bơi, kính bơi…
|
Trong 2 bể bơi di động của Tổ hợp tác đầu tư thì bể bơi lớn (bể chính) được sử dụng để dạy bơi, có độ sâu mực nước là 1 m, bề rộng 5 m, dài 10 m; bể bơi nhỏ chủ yếu phục vụ cho các em độ tuổi mẫu giáo, tiểu học đến vui đùa, làm quen với môi trường nước.
Dù mới được thành lập và đi vào hoạt động nhưng mô hình Bể bơi thanh niên đã nhanh chóng thu hút các em nhỏ cũng như tạo được độ tin cậy cho các bậc phụ huynh để cho con em mình đến đây tập luyện. Nhờ đó, trung bình mỗi tuần Bể bơi thanh niên thu hút trên 100 lượt người đến tập bơi, những ngày cuối tuần cao điểm từ 50 – 70 người/ngày.
Một số trường học trên địa bàn cũng đã chọn Bể bơi thanh niên làm nơi tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm rèn luyện kỹ năng tiếp xúc với môi trường nước và bơi lội cho học sinh để phòng chống đuối nước. Mới đây, Tổ hợp tác Bể bơi thanh niên đã được Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Đăk Hà) phối hợp mở 1 khóa đào tạo kỹ năng bơi cho khoảng 150 học sinh của trường.
Các em học sinh tham gia khóa học được trang bị những kỹ năng cần thiết trước khi xuống nước, đào tạo kỹ năng bơi lội, phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước, nâng cao sức khỏe, thể chất để phát triển toàn diện.
Em Hồ Thùy Linh, học sinh lớp 6H, Trường THCS Chu Văn An tham gia khóa học bơi tại đây rất phấn khởi: Thời gian qua, chứng kiến một số bạn cùng lứa tuổi với em bị đuối nước rất đáng thương; từ đó em mong muốn mình phải biết bơi để phòng chống đuối nước cho bản thân và có thể giúp đỡ mọi người khi gặp nguy hiểm xảy ra. Khi biết có lớp học bơi, em và các bạn rất hào hứng đăng ký tham gia. Môn thể thao bơi giúp cho em rèn luyện sức khỏe sau các giờ học căng thẳng; giúp nhiều bạn học sinh có một sân chơi bổ ích, tránh xa các trò chơi vô bổ, nhất là trò chơi điện tử.
Anh Trần Mạnh Liễu bật mí, hiện nay, mô hình Bể bơi thanh niên đã đi vào hoạt động ổn định; đem lại mức thu nhập bình quân cho các thành viên trong Tổ từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Từ ý nghĩa về mặc xã hội cũng như hiệu quả về mặt kinh tế, Tổ hợp tác Bể bơi thanh niên cũng đang hướng đến sẽ phối hợp với một số trường học trên địa bàn để lắp đặt bể bơi di động, nhân rộng mô hình; mở cửa khu bể bơi hàng ngày, tạo sân chơi cho các em nhỏ, nhất là trong dịp hè. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác cũng sẽ phối hợp với các trường học để mở các hội thi bơi giúp các em học sinh có cơ hội phát huy năng khiếu, sở trường của mình, phát triển toàn diện hơn.
Bài, ảnh: Tú Quyên