Mái ấm
Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, trong đó có tiêu chí quan trọng là nhà ở. Với Kế hoạch xóa nhà tạm trên địa bàn đến năm 2025, huyện Ngọc Hồi đã và đang đem lại những mái ấm thực sự, tạo động lực vươn lên cho hộ nghèo.
|
Bao nhiêu năm nay, ông A Lép (thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) luôn đau đáu mơ ước về làm được ngôi nhà kiên cố. Ước mơ ấy theo ông vào cả giấc ngủ mỗi đêm.
Để biến ước mơ thành hiện thực, gia đình ông luôn nỗ lực làm ăn, tiết kiệm tiền bạc. Nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, dành dụm mãi vẫn chưa đủ số tiền cần thiết để sửa nhà.
Nhưng bây giờ thì không cần mơ nữa rồi. Ngôi nhà lụp xụp từng là nơi tá túc của cả gia đình suốt nhiều năm đã được thay bằng ngôi nhà xây, mái lợp tôn kiên cố, khang trang. Và động lực để ông hiện thực hóa ước mơ lâu này là khoản hỗ trợ kịp thời của chính quyền.
Điều làm ông bất ngờ nhất, và cũng khiến ông xúc động vô cùng là gia đình ông không nằm trong danh sách được hỗ trợ theo kế hoạch xóa nhà tạm năm 2021 của chính quyền.
Khi nhận thông báo được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Quỹ vì người nghèo của huyện để làm nhà, tôi cứ ngỡ nghe nhầm, hoặc cán bộ đưa nhầm tên mình vào, nên hỏi đi hỏi lại mãi. Thật vui khi biết chắc là không có nhẫm lẫn gì. Đúng là chính quyền hiểu thấu lòng dân mà- ông A Lép hào hứng kể.
Bây giờ thì đã thực sự có mái ấm, chỉ lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình nữa. Bên cạnh niềm vui được hỗ trợ làm nhà, tôi vẫn còn có điều trăn trở là nếu như mình nỗ lực hơn, cố gắng hơn, không phải nhận hỗ trợ mà vẫn làm được nhà là tốt nhất- ông A Lép bộc bạch.
Gia đình ông A Lép chỉ là một trong hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã được hỗ trợ hoặc tự nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm trong năm 2021. An cư để lạc nghiệp, những mái ấm thực sự đã và đang tạo động lực vươn lên cho hộ nghèo.
Tháng 8/2021, UBND huyện Ngọc Hồi ban hành Kế hoạch số 2889/KH-UBND về việc xóa nhà tạm trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đến năm 2025. Theo đó, giai đoạn 2021- 2025, huyện Ngọc Hồi đặt mục tiêu xóa hơn 400 căn nhà tạm, với tổng kinh phí thực hiện hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, hai năm 2021-2022 phấn đấu xóa hơn 160 căn nhà tạm.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch trên, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp huyện Ngọc Hồi đã vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm. Việc rà soát, đánh giá thực trạng nhà ở, đất ở của hộ nghèo; quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được thực hiện tốt ngay từ cơ sở.
Việc rà soát, bình xét lập và phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ được tiến hành trên cơ sở lấy ý kiến từ cộng đồng dân cư, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Công tác tuyên truyền, giải thích được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Người dân hiểu rất rõ rằng, không phải Nhà nước xây nhà cho dân mà Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại là gia đình, dòng họ, cộng đồng giúp đỡ. Vốn hỗ trợ là yếu tố khởi đầu và huy động nội lực là yếu tố quyết định.
Kết quả là trong năm 2021, huyện Ngọc Hồi đã xóa được 181 nhà tạm, vượt 99 nhà so với kế hoạch (82 nhà). Trong đó, các nguồn thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm hơn 1,15 tỷ đồng/41 nhà; còn lại là nguồn kinh phí của hộ gia đình.
Điều đáng ghi nhận là, vượt qua ý nghĩa của một “gói” hỗ trợ, chủ trương xóa nhà tạm của huyện Ngọc Hồi đã hình thành quyết tâm, thúc đẩy ý chí vươn lên, tạo động lực xây nhà mới cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn về nhà ở, cũng như tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Như ở thị trấn Plei Kần, với động lực từ những hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, đã có 2 hộ gia đình tự thực hiện xây nhà kiên cố thay nhà vách đất lụp xụp, với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng, từ nguồn tự có của gia đình, sự hỗ trợ của người thân, dòng tộc và cộng đồng.
Hay ở xã Đăk Nông, trong tổng số 10 hộ gia đình xóa nhà tạm trong năm 2021, có tới 9 hộ làm nhà mới từ kinh phí tự có.
Sau một năm triển khai kế hoạch xóa nhà tạm, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về chung tay vì người nghèo, không bỏ người yếu thế ở lại phía sau của cả hệ thống chính trị và nhân dân- Báo cáo số 464/BC-UBND ngày 21/6/2022 của UBND huyện Ngọc Hồi đánh giá.
Theo số liệu mới nhất của UBND huyện Ngọc Hồi, trên địa bàn còn 293 nhà tạm (293 hộ gia đình). Trong đó, nhiều nhất là xã Đăk Ang, với 94 căn, tiếp đến là xã Pờ Y (55 nhà/55 hộ), xã Đăk Xú (47 nhà/47 hộ), xã Đăk Nông (37 nhà/37hộ), xã Sa Loong (34 nhà/34hộ), thị trấn Plei Kần (13 nhà/13hộ), xã Đăk Dục (10 nhà/10hộ), xã Đăk Kan (3 nhà/3hộ).
Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là xóa 82 nhà tạm cho 82 hộ gia đình. Hiện chính quyền các xã, thị trấn đang khẩn trương rà soát thực trạng nhà tạm làm cơ sở phân loại, lập danh sách theo thứ tự ưu tiên xóa nhà tạm, đảm bảo sát, đúng với tình hình thực tế.
Gắn thực hiện kế hoạch xóa nhà tạm với triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm, từ đó phát huy nội lực và trách nhiệm của hộ gia đình, cộng đồng dân cư, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân.
Huy động nhiều nguồn lực và phân bổ phù hợp nguồn lực, trong đó có sự tham gia của hộ gia đình. Ngoài việc vận động, kêu gọi hỗ trợ bằng bằng tiền, còn kêu gọi hỗ trợ bằng ngày công, vật liệu.
Sẽ còn nhiều mái ấm thơm mùi vôi vữa nữa được xây lên ở Ngọc Hồi, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Hồng Lam