Lời hiệu triệu từ lòng nhân ái
Tin chắc rằng, không chỉ riêng tôi, mà nhiều, rất nhiều người dân Việt Nam đều có ấn tượng mạnh với bức ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng sáng 19/5. Vượt qua mọi ngôn ngữ, đó là lời hiệu triệu từ lòng nhân ái.
Sáng 19/5, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi".
Chương trình do Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện, nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người.
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiến mô, tạng là món quà cao quý nhất của một người trao tặng cho người khác. Và kêu gọi mỗi người Việt Nam hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống cho người bệnh.
Với tinh thần "cho đi là còn mãi", đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân- Thủ tướng nói.
Tại buổi lễ, Thủ tướng nhận thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng từ đại diện Hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam.
|
Tin chắc rằng, không chỉ riêng tôi, mà nhiều, rất nhiều người dân Việt Nam đều có ấn tượng mạnh với bức ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng sáng 19/5.
Vượt qua mọi ngôn ngữ, hình ảnh ấy đang lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam ta, trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ của lòng nhân ái, của tinh thần "thương người như thể thương thân".
Tôi đã nhìn rất lâu tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đơn giản vậy thôi, nhưng đó chính là những “tấm vé” trao tặng sự sống cho người bệnh cần ghép tạng.
Và bằng tất cả lòng biết ơn của người được “sống một cuộc đời mới” nhờ vào nghĩa cử hiến tạng, tôi rất hiểu ý nghĩa của mỗi tấm thẻ đăng ký ấy.
Tháng 12/2018, một buổi sáng đẹp trời, anh bạn thân là bác sĩ kéo tôi ra ngoài hành lang, tờ kết quả xét nghiệm rung rung trên tay.
“Hẳn ông đã đoán được kết quả”- giọng anh khàn đặc. Và dù được “báo trước” bởi các dấu hiệu thì tôi cũng gần như sụp đổ. Từ một người năng động, hoạt bát và yêu đời, tôi suy sụp cả về thể xác và tinh thần. Những lần lọc máu đến kiệt quệ không cho tôi nhiều hy vọng sống.
Thỉnh thoảng có những người cùng bị căn bệnh ấy ra đi không kịp nói câu vĩnh biệt, làm tôi càng nghĩ nhiều về ngày mình chết. “Đôi khi, chết lại là một sự giải thoát”- tôi chua chát nghĩ, và lấy bút viết lên tường câu nói ấy.
Nhưng vào lúc suy sụp nhất ấy, tôi được đỡ dậy, trao tiếp sự sống bằng nghĩa cử và lòng nhân ái của một người thân, khi em quyết định hiến tạng cứu tôi.
Tất nhiên, sau đó tiếp tục là một hành trình dài và không kém phần khó khăn, đòi hỏi nghị lực, sự kiên trì và khát vọng sống mãnh liệt. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn là người hết sức may mắn.
Đêm trước khi tôi vào phòng mổ, những bệnh nhân cùng điều trị với tôi tụ tập dưới khuôn viên bệnh viện.
Mọi người chúc mừng tôi may mắn khi được phẫu thuật. Tôi cũng chúc mọi người may mắn và hạnh phúc như tôi. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, lời chúc này không dễ trở thành hiện thực.
Chúng tôi lập một nhóm zalo, và thường liên lạc với nhau. Qua đó, tôi được biết, chưa tới 1/3 số người cùng điều trị với tôi hồi đó được ghép tạng. Dăm người đã ra đi, người còn lại vẫn mòn mỏi chờ được ghép từ nguồn tạng hiến.
Vì sao ư? Vì nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng.
|
Tin vui là tỷ lệ người chết não hiến mô tạng đã tăng dần. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Nhưng dù lạc quan đến mấy thì cũng phải thừa nhận rằng, rào cản lớn nhất trong việc hiến mô, tạng vẫn là tâm lý hoang mang, lo lắng, cũng như quan điểm “sống hay chết cơ thể cũng phải lành lặn” ở số đông người.
Để mở rộng nguồn mô, tạng hiến từ người chết, chết não, bên cạnh việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù cho lĩnh vực hiến, ghép mô tạng, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích để lan tỏa thông điệp hiến mô, tạng cứu người.
Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học, mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người.
Bất cứ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô tạng của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác.
Cách đây ít lâu, một người em của tôi, hiện công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ đã viết đơn đăng ký hiến mô, tạng khi chết, chết não. Nhiều người thân trong gia đình cùng làm như vậy.
“Em hy vọng việc làm của mình sẽ góp phần lan tỏa thông điệp hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm rất ý nghĩa, nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hôm nay”- em viết cho tôi.
Và tôi đã khóc vì xúc động khi nhìn tờ đơn đăng ký ấy!
Hồng Lam