Làng Klâu Ngol Ngó thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng già làng Siu Djin vẫn còn khỏe, ông sôi nổi, chia vui với chúng tôi: “Klâu Ngol Ngó nay không còn nghèo khó như xưa nữa, bà con dân tộc Gia Rai chúng tôi đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, kề vai sát cánh, đoàn kết dựng xây quê hương từng ngày đổi mới”.
Gắn bó gần trọn đời với Klâu Ngol Ngó, một làng của người dân tộc Gia Rai thuộc xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, ông Siu Djin vẫn nhớ như in cuộc sống lam lũ, đói nghèo ngày trước. Ông cho biết, trong phát triển kinh tế, trước đây, bà con chỉ quanh quẩn năm này sang năm khác với vài hécta lúa rẫy và mấy chục hécta mì, bắp, đậu… Quanh năm chỉ lo cho “no cái bụng” mà vẫn có nhiều nhà còn phải chạy ăn từng bữa, nhất là nạn đói giáp hạt luôn là bài toán nan giải ở vùng quê này.
Ông A Siu Lê, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Klâu Ngol Ngó cho biết: Thôn có 217 hộ với 1.176 khẩu; chi bộ có 7 đảng viên. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, chi bộ luôn xác định đặt lợi ích, quyền lợi của người dân lên hàng đầu và đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con chuyển biến rõ nét và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
|
Theo ông A Siu Lê, thời gian qua, chi bộ đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, vận động người dân chú trọng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với thế mạnh địa phương, nhờ đó, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, làng Klâu Ngol Ngó có 140 hộ nhận khoán 125ha cao su của Nông trường Cao su Ia Chim (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum), 35 hộ sản xuất với phương thức liên kết với nông trường; trồng hơn 100ha cà phê (đã cho thu hoạch), 30ha lúa nước 2 vụ, trên 50ha mì và các loại cây trồng khác. Nhờ làm ăn đúng hướng, người dân có thu nhập ổn định nên tỷ lệ hộ khá, giàu đạt hơn 40%; cả thôn chỉ còn 9 hộ nghèo, không còn ai bị đói như trước.
Trao đổi với chúng tôi, già làng Siu Djin tâm sự: “Bà con các dân tộc Gia Rai luôn khắc ghi công ơn của Đảng đã đưa ánh sáng cách mạng soi đường, dẫn dắt đồng bào dựng xây cuộc sống mới như ngày hôm nay, nhiều người vẫn nghĩ như là một giấc mơ”. Đúng vậy, thực hiện chủ trương xây dựng cuộc sống mới và cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dân làng đã và đang chuyển hướng làm ăn, cùng nhau phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo thôn quê. Từ đó, cuộc sống dần thay đổi, khá giả hơn trước rất nhiều. Theo tính toán của bí thư chi bộ, trưởng thôn A Siu Lê thì hiện nay mức thu nhập bình quân đạt khoảng gần 40 triệu đồng/người/năm. Nhiều gia đình có mức thu nhập khá như Siu Din, Y Tuyết, A Nẻo, A Hlưp… là những tấm gương sáng để bà con trong thôn cùng làm theo.
Buổi chiều đầu tháng 8/2022, chạy xe dọc theo những con đường làng Klâu Ngol Ngó, rảo bước trên những con đường mới mở quanh làng, tôi gặp ông A Phứch - một người dân trong làng. Ông A Phứch bộc bạch: “Trước đây, dân làng Klâu Ngol Ngó nghèo lắm. Bây giờ, nhờ chính sách của Nhà nước lo cho dân nên đời sống của bà con đã sướng hơn gấp nhiều lần. Bà con ơn Đảng, ơn Nhà nước nhiều lắm”.
Đêm về, trên vùng quê Klâu Ngol Ngó, ánh điện tỏa sáng mọi nhà. Từ trong nhà rông vọng ra tiếng cồng chiêng ngân vang trong điệu xoang nhịp nhàng mà say đắm; bên ngọn lửa hồng và men rượu cần nồng ấm, ánh mắt của những chàng trai, cô gái Gia Rai như sáng lên niềm tin và hy vọng những điều tốt đẹp ở ngày mai, về cuộc sống mới ngày càng phát triển.
Nguyễn Thanh Hải