Kon Rẫy: Hiệu quả từ cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Sau 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), huyện Kon Rẫy đã lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn.
Ngay sau khi có Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã kịp thời phát động thực hiện trên địa bàn và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể với quyết tâm cao và chung sức, đồng lòng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả Cuộc vận động.
Xác định công tác tuyên truyền về Cuộc vận động có vai trò quan trọng, huyện Kon Rẫy chỉ đạo cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú và linh hoạt gắn với các cuộc họp triển khai nhiệm vụ của chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội. Đồng thời, triển khai Cuộc vận động gắn kết với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động.
|
Các nội dung tuyên truyền tập trung vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, vốn vay để phát triển kinh tế; biết áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất, biết học tập và triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, tập trung tuyên truyền, định hướng về các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp cho người dân; hướng dẫn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; vận động đồng bào DTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dược liệu; xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục.
Bên cạnh đó, cán bộ của các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn huyện Kon Rẫy luôn bám sát cơ sở, thôn làng, từng hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua việc tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt tại khu dân cư; qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của huyện.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, UBND huyện Kon Rẫy thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm xây dựng nhiều mô hình hoạt động sản xuất, mô hình hoạt động xã hội hiệu quả, thiết thực. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện 57 mô hình có hiệu quả; trong đó các xã, thị trấn có 25 mô hình, khối Mặt trận và đoàn thể huyện Kon Rẫy có 13 mô hình, khối các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện Kon Rẫy có 16 mô hình; các cơ quan lực lượng vũ trang có 3 mô hình. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình trên khoảng 1,26 tỷ đồng.
Đa số các mô hình đều hoạt động hiệu quả, tạo sự lan tỏa tích cực. Có thể kể đến các mô hình tiêu biểu cấp huyện như mô hình “Vệ sinh môi trường và cải tạo vườn tạp” tại thôn Kon Đó (xã Đăk Kôi), mô hình “Nuôi gà sạch” tại thôn 5 (thị trấn Đăk Rve); cấp xã có các mô hình “Trồng và chăm sóc cây chuối” tại thôn 5 (thị trấn Đăk Rve); mô hình vệ sinh môi trường tại thôn 2 (xã Đăk Kôi)...
|
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành của huyện Kon Rẫy, Cuộc vận động trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần để huyện Kon Rẫy thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế- xã hội, như 30,82% (vượt 0,82%) hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 39,16% (vượt 19,16%) hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất; 16,61% (vượt 4,61%) hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người DTTS trong huyện; 15,73% (vượt 3,73%) hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện.
Để Cuộc vận động tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, huyện Kon Rẫy xác định công tác tuyên truyền vẫn là nòng cốt, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với nhân rộng các mô hình hỗ trợ hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với nguồn vận động xã hội hóa; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và kịp thời biểu dương, khen thưởng, đánh giá, rút kinh nghiệm qua các giai đoạn.
Hoàng Thanh