Kon Rẫy: Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm hiệu quả
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), 3 năm (2021-2023), huyện Kon Rẫy xây dựng được 90 mô hình điểm về phát triển kinh tế-xã hội để giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, cách làm hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững.
Trong 3 năm qua, Mặt trận các cấp huyện Kon Rẫy phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của huyện xây dựng 90 mô hình điểm về thực hiện Cuộc vận động gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án và các cuộc vận động, phong trào thi đua khác. Cụ thể, Mặt trận huyện 3 mô hình, Mặt trận cấp xã 18 mô hình; các cơ quan, đơn vị, ban, ngành cấp huyện 37 mô hình; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp xã 32 mô hình; với tổng kinh phí gần 3,955 tỷ đồng (các hộ DTTS đối ứng trên 0,311 tỷ đồng, ngân sách nhà nước trên 3,204 tỷ đồng, kinh phí khác trên 0,44 tỷ đồng).
|
Ông Huỳnh Minh Trung- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Rẫy cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 26-KH/HU, ngày 22/4/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy “về xây dựng mô hình điểm”, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình điểm xây dựng từ những năm trước, năm 2023, Mặt trận huyện xây dựng mới mô hình “Tăng gia sản xuất” tại xã Đăk Ruồng và Mặt trận cấp xã xây dựng mới 7 mô hình. Trong đó, có các mô hình như: “Xanh-sạch-đẹp” tại xã Tân Lập, “Trồng thơm không gai” tại xã Đăk Pne, “Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước, không tin, không nghe lời kẻ xấu” tại xã Đăk Ruồng, “Khu dân cư xanh- sạch-đẹp” tại xã Đăk Tơ Lung, “Tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong việc hỏi, việc cưới” tại xã Đăk Kôi, ‘Thôn, làng đảm bảo, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội” tại xã Đăk Tờ Re; “Giảm uống rượu bia, tăng cường lao động” tại thị trấn Đăk Rve.
Đặc biệt, Mặt trận huyện chú trọng xây dựng các mô hình về văn hóa, tập trung xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp để phát triển kinh tế. Trong quá trình xây dựng mô hình, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị chủ trì với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở; thường xuyên bám nắm cơ sở và đánh giá thực tế để triển khai mô hình đi vào thực chất, đạt hiệu quả thiết thực, có định hướng nhân rộng và chuyển đổi phù hợp. Thông qua các mô hình, các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo được tiếp cận và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, biết lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để phát triển sản xuất.
Nhờ đó, Cuộc vận động từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào DTTS. Một bộ phận nhân dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo. Nhiều gia đình tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình; nhận thức được vai trò quan trọng trong việc nuôi, dạy con, cháu, tự nguyện đưa con, em trong độ tuổi đến trường; thực hiện tốt chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc, nuôi dưỡng con cái tốt hơn. Nhiều thôn, làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường.
|
Qua quá trình triển khai Cuộc vận động, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, những gương điển hình trong lao động sản xuất, nếp sống sinh hoạt và cách thức tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt được xuất hiện. Điển hình như các mô hình: “Nuôi gà thả vườn” của Hội LHPN xã, “Tuổi trẻ Kon Rẫy giúp dân cải tạo vườn tạp” của Đoàn xã. Các cá nhân điển hình như bà Y Hố- Phó Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 7; ông A Ngát- Bí thư Chi bộ thôn 5 (thị trấn Đăk Rve); ông A Phai- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 7; ông A Loang- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 5 (xã Đăk Tơ Lung); ông A Phát- Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Đăk Pne. Các hộ gia đình như A Châm (thôn 10, xã Đăk Ruồng); Y Vân (thôn 4, xã Đăk Kôi); Y Thoanh (thôn Đak Puih, xã Đăk Tờ Re).
Qua việc thực hiện các mô hình và từ các cá nhân, hộ điển hình thực hiện góp phần vào việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện.
Nguyên Hà