Kon Rẫy: Giải quyết kịp thời các chính sách cho đồng bào DTTS
Trong 3 năm qua (2021-2024), huyện Kon Rẫy đã triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021-2025 (viết tắt là Dự án I), qua đó góp phần quan trọng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS.
Theo cán bộ Phòng Dân tộc huyện Kon Rẫy, chúng tôi về thăm bà con đồng bào DTTS làng Kon Skôi, xã Đăk Ruồng. Tại đây, ông A Nếp tâm sự: Là hộ nghèo, nhiều năm qua, gia đình tôi không có điều kiện mua thùng đựng nước sinh hoạt hàng ngày, mà phải đi gánh nước tại bể nước chung của làng về dùng nên rất bất tiện, tốn nhiều công sức. Thấy được nỗi vất vả, năm 2023, cán bộ các cấp của huyện về khảo sát và hỗ trợ cho gia đình tôi một cái bồn inox và các ống dây, đầu nối bằng nhựa để dẫn nước về nhà. Từ đó đến nay, gia đình đỡ tốn công đi lấy nước về sinh hoạt, đồng thời được dùng nguồn nước hợp vệ sinh, nên không có ai bị mắc các bệnh ngoài da.
|
Ông Đặng Minh Hạnh- cán bộ địa chính-nông nghiệp-xây dựng-môi trường xã Đăk Ruồng kể: Thực hiện Dự án I, UBND xã phân công cán bộ xã phối hợp với ban quản lý các thôn tổ chức họp bình xét hộ nghèo có khó khăn về nước sinh hoạt một cách công khai, dân chủ bằng “tình làng, nghĩa xóm”, nên rất được bà con nhân dân đồng tình. Đến nay, toàn xã có 28 hộ nghèo khó khăn về nước sinh hoạt được hỗ trợ bồn inox và ống nhựa dẫn nước, trị giá gần 3 triệu đồng/hộ.
Thăm ngôi nhà cấp 4 mới xây của gia đình anh A Tùng (30 tuổi, trú tại thôn Tu Rơ Băng, xã Đăk Kôi), chúng tôi được anh cho hay: Giữa năm 2023, gia đình anh là hộ nghèo và được bà con trong thôn bình xét đề nghị Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở kiên cố. Nhưng anh suy nghĩ, với 40 triệu đồng của Dự án I và 4 triệu đồng của UBND xã hỗ trợ, thì không thể làm nhà vừa kiên cố và vừa đẹp được. Thế là, anh huy động các nguồn vốn tự có của gia đình, người thân, bạn bè và mạnh dạn vay nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng đóng chân trên địa bàn huyện 70 triệu đồng nữa để xây căn nhà cấp 4 rộng 70m2, nền lát gạch hoa.
Làm việc với chúng tôi, ông Đào Đức Tiến- Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện chỉ đạo đơn vị là cơ quan thường trực thực hiện Dự án I phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn để hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Dự án I, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai hỗ trợ cho 719 hộ nghèo thụ hưởng. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 7 hộ với 350m2, hỗ trợ nhà ở cho 22 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 12 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 168 hộ với 168 con bò sinh sản, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 510 hộ với 510 cái bồn nước và các phụ kiện kèm theo. Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung được 4 công trình tại thôn 1 (xã Đăk Pne), thôn 5 và thôn 6 (xã Đăk Kôi), thôn 4 (xã Đăk Tơ Lung), thôn Đak Jri (xã Đăk Tờ Re).
|
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 139 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 2 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 25 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 19 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 93 hộ, với tổng số tiền 9,426 tỷ đồng.
Như vậy, so với danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách thuộc Dự án 1 của UBND huyện phê duyệt, từ năm 2021 đến nay là 1.112 hộ (trong đó, hỗ trợ đất ở cho 8 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 42 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 22 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 332 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 708 hộ), toàn huyện vẫn còn 393 hộ chưa được hỗ trợ.
Trước yêu cầu đặt ra, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án 1 gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện để người dân biết và tham gia thực hiện. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án 1 cho các đối tượng chưa được hỗ trợ theo danh sách đã được phê duyệt đảm bảo thực hiện có hiệu quả thiết thực và giải ngân hết các nguồn vốn được giao; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn, chủ động tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện Dự án 1. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất với cấp có thẩm quyền có giải pháp giải quyết kịp thời.
Trần Văn Phúc