Kon Rẫy: Đổi thay từ cuộc vận động
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), đến nay, huyện Kon Rẫy đã tạo ra nhiều thay đổi ở địa phương.
|
Anh Đinh Văn Phúc - Bí thư Chi bộ thôn 7, thị trấn Đăk Rve cho biết: Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lâm sinh Trường Dạy nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn Trung bộ tại tỉnh Bình Định, anh trở về quê phát triển kinh tế gia đình. Với vốn kiến thức cơ bản về nông nghiệp cùng với thực hiện Cuộc vận động, anh ứng dụng vào sản xuất những loại cây có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập. Từ 4ha đất nông nghiệp của gia đình, anh bố trí trồng 1ha cà phê, 2ha mì, 0,5ha lúa và 0,5ha bời lời. Nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật, nên thu nhập của gia đình anh đạt 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, với vai trò là bí thư chi bộ, anh còn vận động bà con trong thôn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập cho gia đình, góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy Nguyễn Văn Thủy cho biết: Thực hiện Cuộc vận động, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức tuyên truyền trên sóng truyền thanh được 7 chuyên mục với 17 bài, 49 tin; đăng trên trang thông tin điện tử huyện 17 bài, 50 tin; tuyên truyền bằng xe lưu động được 14 lượt; treo 15 băng rôn, khẩu hiệu... về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy, nhất là các lĩnh vực về đất đai, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương đồng bào DTTS điển hình trong lao động sản xuất, từng bước thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với “Đề án mỗi xã một sản phẩm”, tham gia các tổ hợp tác xã, trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ và quản lý rừng.
Nhờ đó, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động (từ tháng 2/2021 đến nay), toàn huyện đã đăng ký 17 mô hình về nuôi heo trên nệm lót sinh học; sản xuất lúa định hướng hữu cơ; hướng dẫn sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước tự chảy; thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; chăn nuôi bò cái nền sinh sản; làm chổi đót; trồng rau sạch; Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa du lịch cộng đồng; Câu lạc bộ không sinh con thứ 3; khu dân cư xanh-sạch-đẹp-an toàn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng góc học tập tại nhà.
Đồng thời, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kịp thời đăng ký xây dựng 13 mô hình thực hiện Cuộc vận động đảm bảo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế tại địa phương. Nhìn chung, các mô hình bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện, thay đổi đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào DTTS tại các địa phương.
Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có 1.492 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo, đạt 61,02% tổng số hộ của huyện biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, tăng trên 6 lần so với mục tiêu năm 2021 đề ra. Đồng thời, có 837 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo, đạt 34,23% tổng số hộ của huyện có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; có 154 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo, đạt 10,38% tổng số hộ của huyện tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã; có 617 hộ nghèo DTTS, đạt 13,08% tổng số hộ của huyện vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thủy khẳng định: Qua 1 năm thực hiện Cuộc vận động, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã thay đổi nhiều. Trong đó, một bộ phận bà con không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước. Nhiều hộ đã tự vươn lên bằng chính nội lực của mình, từng bước xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, con em trong độ tuổi được đến trường. Nhiều hộ đã biết tổ chức lao động, sản xuất hợp lý, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; biết chi tiêu hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác của xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện chỉ còn 863 hộ nghèo, chiếm 11,70% tổng số hộ trên địa bàn.
Nguyên Hà