Kon Rẫy: Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS
Huyện Kon Rẫy huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ đầu tư giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Ông Đào Đức Tiến- Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kon Rẫy cho biết: Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (giai đoạn 2021-2025), huyện Kon Rẫy chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa theo từng nội dung hỗ trợ của Chương trình; thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những địa bàn, nhóm đối tượng có những khó khăn đặc thù. Trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp, định hướng người dân về tư duy sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật; tăng cường cơ chế kiểm soát, quản lý có hiệu quả các chương trình, dự án; thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá.
|
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, sự đồng thuận của người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy, nhiều nội dung hỗ trợ vùng đồng bào DTTS được thực hiện hiệu quả. Qua đó, không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân mà còn giúp đồng bào DTTS nhận rõ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngày càng ý thức, tự lực vươn lên trong cuộc sống.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Rẫy đã tiến hành rà soát, hỗ trợ được 22 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, 7 hộ nghèo không có đất ở, 12 hộ nghèo thiếu đất sản xuất; 139 hộ nghèo thực hiện chuyển đổi nghề, 520 hộ nghèo được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 479 hộ; 58 công trình các loại phục vụ giao thông, sản xuất, sinh hoạt tại vùng DTTS, vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, huyện Kon Rẫy gắn việc hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” nhằm tạo nên “sức mạnh tổng lực” trong quá trình triển khai. Trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về công tác phát triển kinh tế- xã hội và công tác giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS; xem đây là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để hỗ trợ người dân vùng DTTS thay đổi tư duy nhận thức và hành động, nhất là về thay đổi phương thức sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong năm 2024, thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp trong vùng đồng bào DTTS, huyện Kon Rẫy lên kế hoạch hỗ trợ khoảng 3.000 hộ người DTTS trồng khoảng 600ha các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, mít, mắc ca. Qua đó, góp phần tạo cảnh quan, môi trường nông thôn sạch đẹp, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
|
Anh A Minh (thôn 4, xã Đăk Tờ Lung) bộc bạch rằng, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi tiếp tục phát quang, dọn dẹp, chặt bỏ một số loại cây ít giá trị đang trồng tại vườn, rẫy của gia đình để đưa một số loại cây, con có giá trị kinh tế vào trồng trọt và chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình. Hiện nay, ngoài nuôi cá, gà, vịt, dê, gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn nhà, nhất là mít và sầu riêng.
Để hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế hiệu quả, huyện Kon Rẫy còn nâng cao hiệu quả hoạt động của nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực tại vùng DTTS. Đồng thời, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, an sinh trong cộng đồng, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em gắn với cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Toàn huyện Kon Rẫy hiện có khoảng 32 tổ truyền thông trong cộng đồng hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo tiếng nói và sự tham gia bình đẳng của phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào DTTS trong các vấn đề kinh tế- xã hội.
Đến nay, huyện Kon Rẫy có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Lung, Đăk Tờ Re); 11 thôn, làng đạt chuẩn thôn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện Kon Rẫy trong chăm lo phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS & MN trên địa bàn, bộ mặt kinh tế- xã hội tại các xã này từng bước thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được nâng cao. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển.
Hoàng Thanh