Kon Plông: Người dân hưởng lợi từ các chương trình MTQG
Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Kon Plông mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, tháng 8/2023, 14 hộ tại thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) được hỗ trợ trồng sâm dây với quy mô 7,2ha với kinh phí 286 triệu đồng. Tham gia dự án, các hộ dân này được hỗ trợ củ sâm dây giống, phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm dây.
Chị Y Thơm (dân tộc Xơ Đăng), ở thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng phấn khởi chia sẻ: Từ nguồn hỗ trợ của dự án, gia đình tôi trồng 50kg củ sâm dây giống trên diện tích 1.000m2. Trong quá trình trồng và chăm sóc, tôi được cán bộ kỹ thuật của huyện Kon Plông hướng dẫn rất nhiệt tình. Nhìn chung, cây sâm dây dễ trồng, ít sâu bệnh, ít công chăm sóc, đầu ra sản phẩm ổn định, mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với trồng mì.
|
Qua thực tế triển khai, dự án hỗ trợ trồng sâm dây tại thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, người dân tại thôn Đăk Tăng đã chủ động được quy trình trồng và chăm sóc sâm dây, tạo ra các sản phẩm chất lượng, được thị trường ưa chuộng sử dụng. Hiện nay, với giá bán từ 120.000 đồng đến 130.000 đồng/kg củ sâm tươi và 50.000đồng/kg lá sâm, kết hợp với nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường, bà con trồng sâm dây rất yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Bay- Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng tâm sự: Được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Đăk Tăng rất hợp với trồng sâm dây. Thông qua dự án hỗ trợ trồng sâm dây, nhiều hộ nghèo vùng đồng bào DTTS có thu nhập ổn đinh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm thứ 2 trở đi, bà con sẽ có nguồn thu nhập cao hơn từ việc bán sản phẩm sâm củ ra thị trường; đồng thời có thể tự nhân rộng diện tích dựa trên nguồn sâm dây giống sẵn có.
Cũng trong năm 2023, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại xã Đăk Tăng còn triển khai mô hình nuôi trâu sinh sản cho 10 hộ dân tại thôn Rô Xia; mô hình nuôi heo địa phương sinh sản cho 5 hộ ở thôn Vi Xây, 5 hộ ở thôn Đăk Tăng với tổng kinh phí 517 triệu đồng. Đến nay, đàn trâu và đàn heo được các hộ chăm sóc tốt, từng bước sinh sản, tăng số lượng đàn, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
|
Với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, huyện Kon Plông hỗ trợ 93 hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở với kinh phí 3,5 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện Kon Plông triển khai 22 dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho 275 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo tham gia với kinh phí thực hiện khoảng 7,241 tỷ đồng. Triển khai 19 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi với kinh phí thực hiện là 3,112 tỷ đồng. Nhiều mô hình hỗ trợ phát huy hiệu quả tích cực như mô hình nuôi vịt xiêm, trồng cây ăn quả, trồng cây chè xanh, trồng sả java, nuôi heo địa phương, nuôi dê sinh sản.
Tham gia mô hình nuôi heo địa phương, chị Y Niang (dân tộc Xơ Đăng), ở thôn Đăk Ne, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) bộc bạch: Tháng 10/2023, tôi được Nhà nước hỗ trợ 23 triệu đồng để làm chuồng, mua 5 con heo địa phương giống. Cùng với đó, tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Sau gần 1 năm, đàn heo sinh sản thêm 6 con. Thấy được hiệu quả mô hình này, một số hộ trong thôn đã đến học hỏi để làm theo.
Năm 2024, huyện Kon Plông được phân bổ 146,425 tỷ đồng từ các chương trình MTQG. Phát huy những kết quả đã đạt được, UBND huyện Kon Plông đang tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiều dự án, mô hình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Qua đó, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm cơ hội phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tấn Lộc