Kon Plông hỗ trợ nông dân thay đổi nếp, nghĩ cách làm
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), các cấp hội nông dân huyện Kon Plông đã tập trung vận động hội viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.
Ông A Mạnh - hội viên nông dân xã Măng Bút là một trong những điển hình của huyện Kon Plông trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, với mô hình trồng sâm dây kết hợp chăn nuôi, thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm.
Ông A Mạnh chia sẻ: Được Hội Nông dân xã tuyên truyền Cuộc vận động, tập huấn kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn đăng ký trồng sâm dây và cây cà phê xứ lạnh để phát triển kinh tế hộ gia đình. Hội nông dân cũng thường xuyên tới thăm vườn chỉ dẫn gia đình cách làm, nhờ đó, đến nay gia đình tôi phát triển được 5 sào sâm dây, 3 sào cà phê xứ lạnh kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, gia đình còn liên kết với HTX Măng Bút trồng 1 sào sâm Ngọc Linh, phát triển được 2 năm tuổi.
|
Tương tự, hội viên Đinh Duy Phương - thôn Đăk Prồ, xã Đăk Tăng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà phê xứ lạnh. Ông cho biết: Được hội nông dân tập huấn kỹ thuật, gia đình đã mạnh dạn trồng thử gần 1ha cà phê xứ lạnh trên vườn đồi của gia đình. Nhờ chịu khó chăm sóc, tăng cường bón phân chuồng, vườn cà phê phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Đến nay, gia đình có 2ha cà phê xứ lạnh, 8 sào lúa nước, 4 con trâu và chăn nuôi heo. Tính bình quân, gia đình thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Huyện Kon Plông hiện có 9 tổ chức hội nông dân cơ sở với hơn 6.200 hội viên, để giúp hội viên từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, các cấp hội nông dân đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân hơn 56 tỷ đồng cho 1.023 hội viên vay vốn để phát triển kinh tế; hỗ trợ hội viên vay, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, thành lập các tổ hợp tác nông dân giúp nhau phát triển kinh tế.
Không chỉ chú trọng hỗ trợ vốn và kỹ thuật sản xuất, các cấp hội nông dân trong huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân là người DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, thực hiện giãn dân, tách hộ lập vườn, mở rộng diện tích trồng các loại cây dược liệu, cây công nghiệp; thực hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất để các hộ học tập, làm theo. Đã có nhiều mô hình kinh tế của hội viên nông dân làm ăn có hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, đồng thời giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương như: mô hình nuôi trâu, cà phê xứ lạnh, sâm dây của hộ ông A Thin (xã Đăk Tăng); mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi hộ ông A Diêu (xã Măng Cành); mô hình cà phê xứ lạnh và dược liệu hồng đẳng sâm hộ ông A Lang (xã Đăk Tăng)...
|
Hội nông dân các cấp cũng tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn hộ DTTS cải tạo đất, gieo ươm một số loại cây trồng mới để đảm bảo cung cấp nguồn cây giống tại chỗ; thực hiện chăm sóc 2.500 cây phong lan giả hạc làm mô hình phục vụ du khách tham quan, du lịch; triển khai hiệu quả mô hình trồng lúa ST25 tại xã Đăk Ring, với diện tích 3ha; mô hình trồng 400 cây chuối tây Thái, chuối già Nam Mỹ, chuối laba tại thôn Xô Luông, xã Đăk Nên.
Các cấp hội nông dân thành lập các nhóm zalo, facebook hướng dẫn hội viên nông dân và nhân dân sử dụng và truy cập mạng Internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nông dân tham gia HTX, tổ hợp tác, duy trì các tổ hội nghề nghiệp, hình thành các mô hình chuyên canh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Thông qua thực hiện Cuộc vận động, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Kon Plông đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhiều loại cây, con mới được đưa vào nuôi, trồng phù hợp với thực tế địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp của huyện. Nhờ vậy, đến nay huyện Kon Plông có 68 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Thời gian tới, các cấp hội nông dân huyện Kon Plông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân thay đổi nếp nghĩ cách làm trong phát triển sản xuất, thực hiện thành công nhiều mô hình kinh tế, đem lại hiệu quả cao, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần nông dân; góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.
Mỹ Hòa