Kon Plông: Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Kon Plông đã góp phần tạo ra chuyển biến trong nhận thức và hành động, giúp người dân từng bước giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.
Đồng chí Đào Duy Khánh- Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Kon Plông cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai nhiều đợt quán triệt, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ), đoàn viên, hội viên, trong đó đặc biệt là đồng bào DTTS về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Cuộc vận động phù hợp với tình hình điều kiện thực tế của từng địa phương.
Qua việc thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Kon Plông đã phối hợp triển khai xây dựng được 2 mô hình. Trong đó, mô hình “nuôi heo đen” tại xã Măng Cành có 20 hộ tham gia (mỗi hộ được hỗ trợ vay vốn 12,225 triệu đồng), nuôi được 107 con heo; mô hình “tổ hợp tác măng nứa” tại thôn Vắc Y Nhông, xã Đăk Ring, có 12 người tham gia.
|
Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn của huyện phối hợp với chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp triển khai xây dựng được 9 mô hình (mỗi xã, thị trấn 1 mô hình). Trong đó, mô hình “trồng đương quy” tại thôn Đăk Ne, xã Măng Cành đã triển khai cho 3 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo; mô hình “trồng sâm dây” tại thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng triển khai cho 11 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo; các xã, thị trấn còn lại đang chọn hộ để triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng dược liệu theo thế mạnh của từng địa phương.
Các đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở của huyện đã tích cực phối hợp với Mặt trận, các cơ quan, đơn vị liên quan duy trì triển khai mô hình về phát triển kinh tế, như sâm dây, nuôi bò sinh sản, vườn rau sạch, tổ hợp tác măng khô, trồng rừng, liên kết sản xuất, vận động đồng bào DTTS tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đề án mỗi xã một sản phẩm.
Trong việc triển khai thực hiện, có một số mô hình được nhân dân đánh giá cao như: Hội Cựu chiến binh huyện với mô hình “đường tự quản” ở thôn Kon Năng, “chăm sóc hàng cây” ở thôn Kon Tu Ma (xã Măng Cành), “hộ gia đình du lịch cộng đồng” ở thôn Kon Bring (thị trấn Măng Đen); Hội Nông dân huyện có các mô hình “tự quản về môi trường” ở thôn Măng Grí (xã Ngọc Tem), “tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu và trồng cây cà phê” ở thôn Kon Chênh (xã Măng Cành), “trồng cỏ voi nuôi gia súc” ở thôn Vi Ring (xã Đăk Tăng); Huyện đoàn có mô hình “nhà vệ sinh giá rẻ” ở thôn Vi Glơng (xã Hiếu), “ao cá thanh niên”; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện có mô hình “chào cờ và sinh hoạt dưới cờ” tại thôn Kon Chênh (xã Măng Cành)...
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện, đến nay, 100% số xã, thị trấn ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Theo chỉ tiêu đề ra trong năm 2021, toàn huyện có 1.707 hộ, đạt 100% số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo được tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động; có 257 hộ đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; có 450 hộ, đạt 26,3% số hộ biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi trồng, chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư tái sản xuất; có 21,6% số hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; có 4,3% số hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; giảm 3,25% hộ nghèo và giảm 37,46% hộ cận nghèo so với năm 2020.
Bí thư Huyện ủy Kon Plông Đào Duy Khánh khẳng định: Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo ra sức lan tỏa đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS tại khu dân cư để họ có thể học tập và làm theo, từng bước xóa bỏ hủ tục, thay đổi cách thức lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.
Vĩnh Hà