Khuyến học thực chất
Khuyến học, với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
|
Thời phong kiến, với triết lý “Học để làm người”, hầu như các gia đình, từ khá giả đến cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đều cho con đi học. Không chỉ học chữ, còn được dạy làm người, từ “nhân chi sơ tính bản thiện” đến “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.
Con nhà khá giả, giàu có thì học nhiều để lớn lên theo đường khoa cử, tạo lập công danh. Con nhà nghèo thì gắng học để biết “dăm ba chữ thánh hiền”, để sống lương thiện, sống có đạo lý.
Ngày nay, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) còn 82 bia văn Tiến sĩ, ghi danh những nhà khoa bảng đã đỗ đạt trong khoảng 300 năm (từ năm 1442 đến năm 1779) qua những khoa thi dưới triều Lê và Mạc. Từ những tấm bia ấy, bên cạnh sự vinh danh dành cho các bậc đại khoa, ta còn có thể thấy phần nào tinh thần khuyến học, khuyến tài của người xưa.
Đến thời kỳ Pháp thuộc, chế độ thực dân sử dụng chính sách “ngu dân” thâm độc để cai trị. Chúng không muốn cho dân ta biết chữ để dễ bề lừa dối, bóc lột và đàn áp. Hậu quả là sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có tới 95% dân số Việt Nam mù chữ.
Vì vậy, ngay sau khi giành được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là tiêu diệt giặc dốt, nâng cao dân trí.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục đó là sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ; sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền.
Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và nhấn mạnh: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.
Từ đó, phong trào bình dân học vụ lan rộng khắp toàn quốc. Các lớp bình dân học vụ mở khắp nơi, cả ngày lẫn đêm; nhân dân nô nức học chữ. Kết quả là chỉ trong ba năm, từ tháng 9/1945 đến tháng 9/1948 đã có gần 8 triệu người thoát nạn mù chữ.
Đến hết năm 2023, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 lần lượt là 98,85% và 97,29%. Cả 63/63 tỉnh, thành đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 48/63 tỉnh đạt mức độ 2.
Ở tỉnh ta, sau giải phóng (tháng 4/1975), tỷ lệ người mù chữ rất cao, đa số đồng bào DTTS không biết chữ. Nhưng đến năm 2002, đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 7 huyện, thị với 82 xã; tỷ lệ người biết chữ chiếm 85%. Đến nay, hầu hết trẻ em trong độ tuổi học phổ thông đều được đến trường; 100% huyện, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.
Nhắc lại những chuyện trên để thấy rằng, truyền thống hiếu học qua hàng ngàn năm lịch sử đã kết tinh nên những giá trị tốt đẹp, hiếu học, tôn sư trọng đạo, là nhân tố quan trọng kiến tạo nên trí tuệ, đạo đức, nền văn hoá Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển trường tồn và vinh quang của dân tộc.
Đồng thời, truyền thống hiếu học sẽ càng rực rỡ, càng được nhân lên khi được thúc đẩy, được “chắp cánh” bởi chính sách khuyến học, khuyến tài đúng đắn và hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta.
Với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, công tác khuyến học là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hay nói cách khác, khuyến học chính là một trong những phương tiện hữu hiệu để xây dựng xã hội học tập, mà trong đó, ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính.
Với quan điểm ấy, ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 122/TTg về thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và đến ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam đã chính thức ra mắt.
Đến ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2/10 hằng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam, với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài.
Sự ra mắt toàn dân về một tổ chức hội có tính chất thúc đẩy sự học của toàn dân tạo không khí phấn khởi không chỉ cho những người đam mê với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, còn mang lại một niềm hân hoan, phấn khởi cho tất cả đối tượng, đặc biệt là người nghèo.
Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm qua đã xác lập triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong phú, làm lan tỏa, tôn vinh và nhân lên các giá trị tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống hiếu học.
Những phong trào, chương trình hoạt động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực của Hội như: “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị”, “Tiếp sức cho em đến trường”, “Vì em hiếu học”, “Chắp cánh ước mơ”, “Mái ấm khuyến học”; các mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Tiếng trống, tiếng kẻng khuyến học”, “Giờ vàng khuyến học” đã khơi nguồn tinh thần hiếu học trong mỗi người dân.
Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum được thành lập vào ngày 26/7/2001. Đến nay, trải qua 23 năm hoạt động, tuy có nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, xây dựng hội, nguồn kinh phí hoạt động, nhưng Hội Khuyến học tỉnh đã luôn nỗ lực tạo cơ hội, sự bình đẳng trong học tập cho tất cả các đối tượng trong xã hội, từ người khuyết tật, người nghèo đến người giàu, từ người già đến trẻ nhỏ.
Đến nay, mạng lưới tổ chức hội khuyến học đã phủ kín 102/102 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện thành phố. Tổng số hội viên toàn tỉnh (đến hết năm 2023) là 72.273 người, đạt 12,82% dân số.
Hoạt động của Hội khuyến học không chỉ dừng lại ở các cấp cơ sở mà phát triển mạnh cả trong lực lượng vũ trang, trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp.
Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực không ngừng của các cấp hội; sự mẫn cán, tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã từng bước ăn sâu, bắt rễ vào mỗi gia đình, thôn làng, xã, cộng đồng dân cư, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo và đưa phong trào xã hội học tập phát triển thực chất.
Phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập, gia đình học tập, dòng họ tộc, cộng đồng học tập, đơn vị học tập ngày càng lan tỏa, ngày càng mạnh mẽ hơn, đưa công tác khuyến học bám rễ và ăn sâu, lan tỏa đến cơ sở, cộng đồng, từng dòng họ, gia đình.
|
Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 59.386 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, đạt 42,1%; có 84 dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”, đạt 30,77%; có có 370 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập”, đạt 49,73%; có 304 đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”, đạt 64,27%; có 78.707 người được công nhận “Công dân học tập”, đạt 24,26%.
Quỹ khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở theo đúng tôn chỉ, đúng mục đích, quản lý có hiệu quả. Nhiều cơ quan, đơn vị, thôn làng, dòng họ, gia đình xây dựng được quỹ khuyến học.
Từ đó, nhiều học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, con cháu nạn nhân chất độc da cam, học sinh vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ, tiếp bước đến trường; nhiều gương học sinh vượt khó học giỏi được tôn vinh.
Tất nhiên, hoạt động khuyến học không nên hiểu đơn thuần là vận động các phần thưởng, phần quà, các suất học bổng rồi trao cho học sinh. Bởi đây chỉ là một phần hoạt động, một phần ý nghĩa, không phải là mục tiêu của khuyến học, khuyến tài.
Khuyến học, khuyến tài cần được hiểu bao gồm nhiều hoạt động, trong đó chú trọng vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân ở mọi độ tuổi được học tập thường xuyên, học suốt đời.
Mỗi người dân có thể tham gia khuyến học, khuyến tài bằng việc vận động những người khi xung quanh hình thành thói quen chủ động, tự giác học tập, cập nhật kiến thức trên môi trường công nghệ với phương châm lấy tự học là chính.
Đồng thời đóng góp tài chính, vật chất cho hoạt động khuyến học của gia đình, dòng họ, cộng đồng, để có kinh phí mua sách bút, quần áo hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế; trao thưởng động viên, khích lệ các đối tượng yếu thế trong xã hội vươn lên trong học tập.
Như vậy mới là khuyến học thực chất!
Hồng Lam