Không để nông thôn mới thành “nông thôn cũ”
Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, nhưng giữ chuẩn và nâng chuẩn còn khó hơn. Thực tế đang đòi hỏi các xã nông thôn mới vẫn phải nỗ lực không ngừng để “làm mới nông thôn mới”.
Cuối tuần, tôi có cuộc nói chuyện với một chủ tịch xã. Sau rất nhiều nỗ lực, xã anh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hồi giữa năm 2023.
Anh cho hay, trên cơ sở bộ tiêu chí về nông thôn mới mang tính tổng thể, từ quy hoạch, cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và văn hóa, xã hội, thiết chế chính trị, xã đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt là đã có sự tham gia tích cực và chủ động của mỗi người dân. Bởi họ hiểu được rằng, mình chính là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, từ chủ động nhập cuộc, khắc phục tư tưởng thờ ơ, ỷ lại vào Nhà nước, hoặc suy nghĩ đây là nhiệm vụ của huyện, của xã.
|
Tỉnh, huyện cũng quan tâm thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhờ đó hầu hết cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn ở xã đều cơ bản hoàn thiện và đạt chuẩn theo quy định. Mặt bằng đời sống về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Có thể khẳng định, nông thôn mới như một cuộc cách mạng, từng bước làm thay đổi diện mạo địa phương và đời sống người dân, từ phương thức sản xuất, sinh hoạt, phong cách ứng xử, cả trong nếp nghĩ, cách sống đã định hình nhiều năm- anh nói.
Tất nhiên, cán bộ và nhân dân hài lòng và phấn khởi khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, vì đó là kết quả có được từ sự đồng lòng, chung sức, và họ nhìn thấy lợi ích và cơ hội vươn lên của mình trong đó.
Còn anh bộc bạch rằng, vui thì vui thật, nhưng cũng thấy áp lực vô cùng. Bởi thực tế cho thấy vẫn còn những thách thức mà một xã nông thôn mới đang phải đối mặt.
Đó là đường sá đi vẫn chưa hết khó khăn; hệ thống thủy lợi vẫn chưa được kiên cố hóa hoàn toàn; điện vẫn chập chờn; nghèo khó vẫn tái diễn do bệnh tật, thiếu sức lao động hoặc chưa có phương án làm ăn.
Bên cạnh đó, những hủ tục trong ma chay, hiếu hỉ vẫn còn phổ biến, thành lệ, thành nếp, gây tốn kém, lãng phí. Nghĩa là vẫn còn đó những tư duy cũ, lối nghĩ cũ.
Và đây là một thực tế đáng lo ngại.
|
Không thể nói đạt chuẩn rồi, có điện, đường, trường, trạm hoàn thiện, có sân thể thao, nhà văn hóa khang trang rồi là hoàn thành nhiệm vụ, mà phải tiếp tục nỗ lực để danh hiệu được công nhận bền vững hơn, không để rơi vào tình trạng bệnh thành tích, thỏa mãn. Bởi khi ấy, hẳn rằng sẽ rơi vào thoái trào, nông thôn mới sẽ lại thành... nông thôn cũ.
Nhìn rộng ra, phải khẳng định rằng, trong năm qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được cả hệ thống chính trị triển khai quyết liệt, hiệu quả. Các địa phương cũng đã lồng ghép nguồn lực từ các nguồn vốn, chương trình, dự án để hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Là trung tâm, là động lực của xây dựng nông thôn mới, nông dân được hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; được đảm bảo quyền làm chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; được hỗ trợ để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Đặc biệt, với sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã góp phần thay đổi nhận thức, giúp nông dân người DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và đều qua các năm.
Đến nay, toàn tỉnh có 48/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó có 42 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới); 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 37 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân đạt 16,42 tiêu chí/xã.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, hạn chế cần khắc phục.
Đó là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị cơ sở; nhiều địa phương chưa chú trọng triển khai phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và chưa có giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực xây dựng nông thôn mới; chất lượng xây dựng nông thôn mới chưa thật sự bền vững.
Đáng chú ý là việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS chưa được quan tâm đúng mức.
Đây là những “góc khuất” vẫn đang tồn tại trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Và cũng là lý do vì sao các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vẫn đang đặt ra yêu cầu “làm mới nông thôn mới” từ tư duy, cách làm một cách nghiêm túc và thực chất hơn.
Vì vậy, cũng không có gì phải ngạc nhiên khi có ý kiến đề nghị rằng, tỉnh cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo “hậu nông thôn mới”. Yêu cầu nhất quán không chỉ là tiếp tục giữ vững, duy trì, mà còn phải nâng cao các tiêu chí đã đạt được, đảm bảo tính bền vững nhằm thúc đẩy phong trào ở trình độ và chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, cần có một sự đánh giá toàn diện tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt là về những bất cập về việc làm và thu nhập cho nông dân, từ đó tìm được biện pháp hiệu quả.
Trong đó, quan trọng nhất là tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân- vốn là trung tâm của quá trình xây dựng nông thôn mới, và cũng làm chủ nông thôn mới- chủ động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi lối sống cũ, khắc phục tính thụ động, ngại đổi mới.
HỒNG LAM