Khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, lịch sử dân tộc Việt Nam có những trang vàng chống giặc ngoại xâm, dựng xây đất nước, có tinh thần bất khuất, khí phách hào hùng với nhiều mốc son chói lọi. Các thế hệ cha ông của chúng ta luôn kiên cường, bất khuất trong đấu tranh và chiến thắng các thế lực ngoại xâm, giành lại tự do, độc lập dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.
Lịch sử quý báu của dân tộc Việt Nam luôn được các thế hệ học sinh trên địa bàn tỉnh tự hào, khắc ghi và nỗ lực học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc; củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam trong xu thế phát triển của thời đại.
|
Xuyên suốt quá trình học tập, học sinh ở các cấp học được giáo viên giảng dạy về những cột mốc chiến thắng đáng tự hào của dân tộc; tiêu biểu như Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Việt Nam, đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Trong các tiết học, các em học sinh dễ dàng nắm bắt các sự kiện quan trọng của lịch sử Việt Nam thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, áp dụng sơ đồ tư duy trong học tập, trình chiếu clip, video chân thực về nỗ lực của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc.
Với kinh nghiệm 14 năm giảng dạy và là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Huyền- giáo viên Trường THCS-THSP Lý Tự Trọng (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Để giúp các em thêm yêu quý lịch sử Việt Nam, tôi áp dụng phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm; sử dụng tranh ảnh, video vào trong các tiết học; khuyến khích học sinh thể hiện năng khiếu về thuyết trình, vẽ tranh, làm mô hình nhằm trình bày, thể hiện một số nội dung kiến thức lịch sử. Thông qua đó, nội dung bài học lịch sử đi vào trong tâm trí các em một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, tăng hứng thú trong học tập.
|
Ngoài ra, một số trường học tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử như Điểm cao 955 Chư Tan Kra, chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh, Ngục Đăk Glei, Ngục Kon Tum. Tổ chức cho học sinh tham gia quét dọn vệ sinh, dâng hoa và thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm. Bên cạnh đó, các trường tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khoá nhằm giáo dục học sinh về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh.
Em Lê Cao Bảo Ngọc- học sinh lớp 11B3, Trường THCS THPT Liên Việt Kon Tum tâm sự: Thông qua việc học trên lớp và tham quan tại Bảo tàng tỉnh, các di tích lịch sử, em và các bạn hiểu hơn về những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, giúp chúng em có cuộc sống hoà bình, tự do như ngày hôm nay. Tự hào là người Việt Nam, em hứa quyết tâm phấn đấu để trở thành công dân có ích cho xã hội, xứng đáng với những đóng góp, hy sinh xương máu của các thế hệ cha ông để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chúng em hôm nay.
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) chính là dịp để mỗi thế hệ học sinh tự soi rọi lại bản thân mình, ra sức thi đua trong học tập và rèn luyện để đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước sau này.
Tấn Lộc