Khi nếp nghĩ, cách làm thay đổi
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Đảng ủy xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc giúp dân thay đổi những phong tục tập quán lạc hậu, nhất là trong việc tang, việc cưới để tiết kiệm thời gian, tiền của đầu tư mở rộng sản xuất và phòng chống dịch Covid9; triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả… tạo ra những tác động tích cực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Thay đổi phong tục tập quán không còn hợp thời
Ngày mùa, làng Tum vắng bóng người lớn ở nhà. Để tìm hiểu việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), tôi phải lên tận rẫy gặp Siu Quốc- Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Tum.
Đang cùng bà con thu hoạch mì, nhưng Siu Quốc không nề hà, liền xoa tay vuốt những giọt mồ hôi lăn dài trên má, cười tươi chia sẻ: Thực hiện Cuộc vận động, người Gia Rai trong làng mình thay đổi những phong tục tập quán không còn hợp thời. Ví như trước đây, người dân trong làng có tập quán cúng lễ bỏ mả, tiễn đưa người chết hay làm đám cưới cho con cháu rình rang, mổ trâu, mổ bò, tập trung ăn uống nhiều ngày tốn kém, thì nay không còn mổ trâu, mổ bò và thời gian tổ chức rút xuống chỉ còn 1 buổi. Trong đám cưới, bà con dựng rạp, đặt mâm cỗ, họ hàng, khách mời đến dự và bỏ phong bì chúc mừng cô dâu và chú rể như người Kinh. Việc tổ chức theo nếp sống mới này, góp phần phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Ở làng Chứ, Trưởng thôn A Hlum cho hay: Không nói suông, trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, trong năm vừa qua, A Dư trong làng bị bệnh chết, bà con đến lo mai táng kịp thời (sau một đêm), không để lâu. Thân nhân gia đình người chết không mổ trâu, mổ bò cúng người chết và không thết đãi người sống nhiều ngày.
Bàn về thay đổi những phong tục tập quán lạc hậu, A Nưới – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã khẳng định, trước đây, khi chưa thực hiện Cuộc vận động, người Gia Rai thường để người chết ít nhất 3 ngày mới an táng; gia đình và thân nhân người chết thường mổ trâu, bò… cúng người chết và đãi dân làng đến chia buồn, tiễn người chết. Kể từ khi thực hiện Cuộc vận động, nhất là trong tình hình dịch Covid-19, người chết được thân nhân, dân làng an táng kịp thời, không để dài ngày như trước nữa.
“Qua vận động, thân nhân người chết không mổ trâu, bò… tốn kém để cúng người chết, đãi dân làng; dân làng đến chia buồn đi phong bì để góp phần giúp gia đình có người chết có điều kiện mai táng. Ngay cả việc đánh cồng chiêng chia buồn gia đình có người chết, dân làng cũng chỉ thực hiện theo nghi thức, không đánh cồng chiêng liên tục, kéo dài như xưa”- A Nưới quả quyết.
Chuyển biến qua mô hình kinh tế
Không chỉ có việc thay đổi tập quán không còn phù hợp, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm còn tạo ra những tác động tích cực trong phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã chia sẻ, thông qua việc thực hiện các mô hình (nuôi cá, ếch, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả…), chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xã đang tích cực góp phần giúp người dân sản xuất hiệu quả.
|
|
Tại eo nước lòng hồ thủy điện Ya Ly ở làng Chờ, nhiều hộ gia đình được huyện, xã hỗ trợ nuôi cá, ếch trong lồng. A Giáo nuôi ếch khoe: Trước đây, gia đình mình không có điều kiện và không biết nuôi ếch. Năm vừa qua, gia đình mình được xã, huyện hỗ trợ nuôi 2 lồng ếch/lứa nuôi. Sau khi thu ếch, gia đình bán được 40 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, còn lãi 20 triệu đồng. Việc nuôi ếch góp phần giúp gia đình mình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Đi đầu trong việc thực hiện mô hình nuôi thủy sản làng Chờ là ông Võ Đình Sơn nuôi 11 lồng cá, 10 lồng ếch. “Năm vừa qua, sau khi trừ mọi chi đầu tư, gia đình ông Sơn lãi ròng gần 500 triệu đồng từ nuôi thủy sản. Việc nuôi thủy sản ở lòng hồ không lo đầu ra, vì hàng ngày có nhiều lái buôn vào thu mua thủy sản. Đồng thời, có doanh nghiệp đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Xã đang tạo điều kiện cho các hộ nuôi trồng thủy sản thành lập Hợp tác xã Thuỷ sản và dịch vụ thương mại Ya Ly”- ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Trên cạn, nhiều hộ gia đình đang đẩy mạnh cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả hay xen canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, mít trong vườn cà phê. Vào thăm mô hình cây sầu riêng trồng xen canh trong vườn cà phê của gia đình A Tuất (làng Tum) được chính quyền địa phương hỗ trợ trồng trước đây, chúng tôi thấy các loại cây trồng đều phát triển tốt.
|
“Gia đình tôi là gia đình nghèo, huyện hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng 0,5ha cà phê, 30 cây sầu riêng Ri6; đồng thời gia đình bỏ thêm vốn đầu tư mua thêm 100 cây sầu riêng Ri6 để trồng xen trong vườn cà phê. Làm theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cây cà phê cho thu hoạch, còn sầu riêng Ri6 ra hoa. Qua thực hiện các mô hình, gia đình phấn đấu thoát nghèo trong giai đoạn 2022-2025”- vợ A Tuất hồ hởi nêu quyết tâm.
Đồng chí Đặng Ngọc Thơ - Bí thư Đảng ủy xã Ya Ly cho biết, thực hiện Cuộc vận động, từ năm 2021 đến nay, xã vận động người dân thay đổi việc tang, việc cưới để tiết kiệm thời gian, tiền của đầu tư mở rộng sản xuất và phòng chống dịch Covid-19; hỗ trợ 9 hộ gia đình cải tạo 2,5ha vườn tạp, 6 hộ nuôi 30 lồng thủy sản… tạo ra tác động tích cực đến nhận thức và việc làm của người dân. Cùng với đó, việc vận động người dân tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả, cây công nghiệp (cao su, cà phê) từ những năm trước, xã góp phần tạo ra chuyển biến để giúp đồng bào nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Văn Nhiên