Khi cháu chuẩn bị vào lớp 1
Tinh thần chuẩn bị vào lớp 1 của cháu tôi rất là khí thế. Đang là một đứa bé muốn gì là khóc lóc đòi mẹ phải mua cho bằng được, đến bữa thì mè nheo đòi mẹ đút ăn, nhưng chỉ cần nhắc tới chuyện sắp vào lớp 1 rồi là thái độ cu cậu khác hẳn, ra dáng “người lớn” ngay. Tuy nhiên, khi được cho làm quen với việc học thì mọi chuyện lại khác.
Nói về việc học của cháu, thoạt đầu, em tôi vẫn giữ suy nghĩ, cương quyết không gây áp lực với con, để cu cậu phát triển tự nhiên. Thế nhưng, đến lúc phát hiện tinh thần, ý thức học tập của cậu bé không được cao thì đành phải thay đổi chiến thuật.
Hồi tháng 5, kết thúc chương trình học mầm non, em tôi cho cháu về quê để thăm ông bà, họ hàng cho thoải mái tinh thần trước khi trở về lo chuyện chuẩn bị cho cháu lên lớp 1.
Sau một chuyến đi chơi dài ngày “nạp năng lượng”, em tôi bắt đầu mua sách vở về nhà, lên thời khóa biểu để dạy kèm cho con với suy nghĩ cốt là để con làm quen với các chữ cái, hình thành ý thức học tập để khỏi bỡ ngỡ khi bước vào môi trường học tập mới.
|
Kể ra thì tinh thần chuẩn bị vào lớp 1 của cháu tôi rất là khí thế. Đang là một đứa bé muốn gì là khóc lóc đòi mẹ phải mua cho bằng được, đến bữa thì mè nheo đòi mẹ đút ăn, nhưng chỉ cần nhắc tới chuyện sắp vào lớp 1 rồi là thái độ cu cậu khác hẳn, ra dáng “người lớn” ngay.
Vì vậy, không chỉ mẹ cháu mà cả nhà đều lấy làm vui, vì cho rằng cháu thích đi học. Nào ngờ, khi được cho làm quen với việc học thì mọi chuyện lại khác.
Cứ ngồi vào bàn học là cháu nằn nì lần lữa, tập viết vài chữ rồi tìm đủ lý do để không phải học nữa. Thấy con như thế, bố mẹ cháu càng nóng ruột, vì so ra, ở tuổi của cu cậu, nhiều đứa trẻ đã biết đọc, viết ngon lành rồi. Có hôm, em tôi bực quá la rầy thì cháu lại… khóc nhè. Thế là chuyện học hôm ấy đành phải gác lại.
Nằm đêm suy nghĩ nát óc rồi mẹ cháu quyết định phải thay đổi chiến thuật bằng cách gửi con vào trung tâm anh ngữ dành cho lứa tuổi cấp 1 để nhờ thầy cô giáo hướng dẫn. Gọi là trung tâm anh ngữ nhưng chương trình học hè cũng đủ môn, nào tiếng Việt, nào Toán, nào Tiếng Anh, rồi cuối tuần còn được tham gia dã ngoại- kết hợp vừa chơi vừa học.
Đang ở nhà chơi đùa thoải mái, tự dưng phải đi học nên cu cậu giãy nảy không chịu. Nhưng bố mẹ cháu vừa mềm dẻo “dụ dỗ”, nhất là cho cu cậu xem hình ảnh “vừa học vừa chơi” ở trung tâm, vừa cương quyết yêu cầu phải “đến lớp” như các bạn. Không còn cách nào, cu cậu đành nghe theo.
Từ đó, cháu tôi bắt đầu những buổi rèn chữ, học phép tính. Cuối tuần còn được đi dã ngoại, tham quan chỗ này chỗ kia cùng bạn bè.
|
Phải công nhận là ở trong môi trường sư phạm và sự rèn cặp của thầy cô giáo nên cháu tôi khác hẳn, tinh thần, ý thức học tập lên cao, dần khắc phục được sự thiếu tập trung. Cu cậu sốt sắng hơn trong chuyện đến trường mỗi ngày, chủ động hơn trong việc học tập.
Tất nhiên, bố mẹ cũng không chủ quan được, mà vẫn phải quan tâm nhắc nhở kèm cặp để cu cậu tập trung viết bài, làm bài tập, từ đó đưa việc học vào nề nếp, hình thành ý thức tự giác.
Kể ra thì đơn giản vậy chứ thực hành mới thấy gian nan lắm. Nhưng mà “bây giờ thì cu cậu đã nói không với việc khóc nhè, ra dáng của “người lớn” sắp vào lớp 1 thật rồi”- em tôi khoe.
Cô em còn chia sẻ bí quyết: “Đúng là cái gì cũng phải đưa vào khuôn khổ mới được. Nhưng với trẻ em, nhiều lúc không có phương pháp giảng dạy tốt cũng rất khó để điều chỉnh hành vi của trẻ, mà ngược lại rất dễ gây áp lực không tốt cho trẻ”.
Nghe câu chuyện của cháu mà tôi ngẫm lại cái thời của mấy chị em tôi, đúng là khác một trời một vực.
Hồi ấy, chuẩn bị vào lớp 1, được ba má xin cho bộ sách của người bà con về. Sách để trên bàn, chẳng ai bày, ai biểu, chị em tôi cứ thế mở từng trang sách ra học. Chỗ nào không biết, không hiểu thì mang ra hỏi người lớn. Mùa hè chưa hết, các cuốn sách dành cho chương trình lớp 1 cũng đã được chị em tôi học xong.
Việc học tập thời ấy đúng là không bị chi phối bởi điều gì, bởi chẳng có điện thoại, máy tính, ti vi phổ biến như bây giờ để mà chơi game, xem phim. Tuổi thơ hồn nhiên, trong veo qua từng trang sách với bao hình vẽ thân quen y như ngoài đời thực, từ các con vật như gà, bò, heo, vịt đến quả na, quả cà, mà thấy cuốn hút ghê gớm.
Má tôi kể, người lớn bận làm lụng vất vả, trẻ em cũng chẳng được quan tâm nhiều đến chuyện học tập như bây giờ. Cũng may là đứa nào cũng có ý thức tự giác học tập, chứ cứ mè nheo, không muốn học như thằng cu cháu chắc cũng chẳng biết làm sao.
Nhiều người thường nói, đừng nên gây áp lực hay ép con trẻ học hành khi chúng còn quá bé. Nhưng nhìn từ cháu mình, tôi thấy đồng cảm và chia sẻ với các phụ huynh khi có con chuẩn bị vào lớp 1.
Với một đứa trẻ chuẩn bị phải bước vào môi trường học tập, cha mẹ thật khó mà “thả nổi” được. Vấn đề là cách thức và “liều lượng” mà thôi.
Sông Côn