Khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng nông thôn mới
Năm 2024, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 3 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn NTM. Nhưng trước những yêu cầu khá cao của các tiêu chí NTM (Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; ban hành kèm theo Quyết định số 318/QĐ-TTg) gây ra không ít khó khăn, thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM mà tỉnh đã đề ra, đòi hỏi nỗ lực cao của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân ở khu vực nông thôn.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, những năm qua, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.
Đến nay, toàn tỉnh có 48/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí NTM, trong đó, có 44 xã được công nhật đạt chuẩn NTM, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân đạt 16 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh cũng đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh ta phấn đấu đến cuối năm toàn tỉnh có 53 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 62,35% tổng số xã, trong đó có 10 xã NTM nâng cao, chiếm 18,86%; 4 xã NTM kiểu mẫu, chiếm 7,55%; huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn huyện NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.
|
Theo đó, các xã nằm trong mục tiêu xây dựng NTM năm 2024 là Hơ Moong (huyện Sa Thầy), Đăk Long (huyện Đăk Hà), Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), Đăk Choong (huyện Đăk Glei) và Ia Tơi (huyện Ia H’Drai). Tuy nhiên, căn cứ trên thực tế, UBND tỉnh giao thêm chỉ tiêu cho các ngành, các địa phương phấn đấu xây dựng xã Măng Bút (huyện Kon Plông) và xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đạt chuẩn NTM.
Các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao là Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà), Pờ Y (huyện Ngọc Hồi), Ia Dom (huyện Ia H’drai), dự kiến xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; hoàn thành mục tiêu đối với các xã chưa đạt chuẩn NTM thuộc kế hoạch năm 2021 và năm 2022, 2023.
Bên cạnh đó, tỉnh giao chỉ tiêu cho địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tại các xã đã đạt chuẩn NTM xây dựng có ít nhất 1 thôn NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí; phấn đấu mỗi xã có 1 thôn (làng) ở vùng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn thôn NTM ngoài 95 thôn (làng) thuộc diện thực hiện điểm của các cấp theo kế hoạch năm 2023.
Nhưng theo đánh giá của Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đang đứng rất nhiều khó khăn, thách thức; bởi một số tiêu chí đã đạt chuẩn NTM trong trong các năm trước, nhưng theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021- 2025 thì không đảm bảo, như tiêu chí số 1 về quy hoạch , tiêu chí số 10 về thu nhập. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh vẫn có 1 huyện trắng xã nông thôn mới là huyện Tu Mơ Rông và có 3 xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí, số xã có số tiêu chí đạt chuẩn từ 10- 14 tiêu chí còn khá cao, chiếm tới 38/85 xã. Đặc biệt, hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM đều là xã đặc biệt khó khăn, phần lớn dân cư ở đây là đồng bào DTTS, trình độ sản xuất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp.
|
Năm 2024, nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh vào khoảng 1.268 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tối thiểu là 321.060 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác khoảng 470 tỷ đồng; còn lại là vốn tín dụng và vốn huy động hợp pháp khác…
Tuy nhiên, thực tế khả năng đóng góp của người dân lại rất hạn chế, việc huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất khiêm tốn nên ngoài nguồn vốn của Nhà nước rất khó huy động được các nguồn khác. Bên cạnh đó, một số chế chính sách quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 chưa được kịp thời và đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.
Do đó, việc thực hiện đạt mục tiêu xây dựng NTM của 2024 và đến năm 2025 toàn tỉnh không còn xã đạt chuẩn dưới 15 tiêu chí và huyện Tu Mơ Rông có từ 3 xã đạt chuẩn NTM trở lên là thách thức lớn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân cùng những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp từng địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, các địa phương phải rà soát, đánh giá cụ thể thực trạng, từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp, huy động, phân bổ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ ngay từ đầu năm; tập trung thực hiện các tiêu chí khó đạt như thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm trước, cần phải thường xuyên rà soát và kịp thời có giải pháp hỗ trợ thực hiện nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, không để xảy ra tình trạng bị tụt giảm tiêu chí và bị thu hồi quyết định công nhận. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng NTM” gắn thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” để góp phần xây dựng nông thôn mới.
Để Chương trình MTQG xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất, đạt được mục tiêu đề ra, ngày 22/01/2024, Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024. Qua đó, nâng cao trách nhiệm chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và các ngành có liên quan trong xây dựng NTM, khắc phục tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; triển khai có hiệu quả các biện pháp thực hiện đạt, nâng cao chất lượng xây dựng NTM.
Rõ ràng, hành trình xây dựng NTM phía trước còn nhiều khó khăn và trở ngại. Nhưng chúng ta có quyền tin tưởng rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân, tỉnh ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2024, đời sống kinh tế- xã hội của người dân ở khu vực nông thôn của tỉnh ngày càng thay đổi tích cực và phát triển bền vững.
Thiên Hương