Hội thảo khoa học đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vi tảo xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh”
Chiều 8/5, Trường Cao đẳng Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học báo cáo kết quả nghiên cứu và đề xuất ứng dụng kết quả đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vi tảo xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh”. Đề tài do Tiến sĩ Lê Trí Khải- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kon Tum làm Chủ nhiệm.
|
Dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh; các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các công ty nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo đề tài, hiện nay, nuôi trồng vi tảo đang nổi lên như là một xu thế mới trong sản xuất năng lượng sạch của tương lai. Vi tảo được xem là một giải pháp cho vấn đề lương thực nhờ hàm lượng các vi chất rất cao (dùng làm thực phẩm chức năng cho người, bổ sung vào thành phần thức ăn chăn nuôi...). Đặc biệt, nuôi trồng vi tảo giúp giải quyết một bài toán lớn về các vấn đề liên quan đến môi trường như giảm hiệu ứng nhà kính, xử lý nước thải nông nghiệp, trong đó có môi trường nước nuôi trồng thuỷ sản... Trong khi đó, tỉnh Kon Tum có lợi thế về ao hồ, diện tích mặt nước lớn, vì vậy, được đặt hàng của tỉnh, Trường Cao đẳng Kon Tum đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vi tảo xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu ứng dụng thành công công nghệ sinh học vi tảo xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Kon Tum; nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ tảo gắn với đào tạo tại Trường Cao đẳng Kon Tum.
Đề tài được thực hiện trong 24 tháng từ 6/2022-6/2024, với nội dung nghiên cứu: Phân lập, lưu giữ và nuôi cấy vi tảo nước ngọt thích hợp với điều kiện của tỉnh Kon Tum. Nghiên cứu đặc điểm sinh học của các chủng/loài vi tảo nước ngọt phân lập chọn lọc được, có khả năng ứng dụng trong xử lý môi trường nước thải nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại tỉnh Kon Tum. Nghiên cứu, ứng dụng một số chủng/loài vi tảo xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum ở quy mô Phòng thí nghiệm. Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi trồng sinh khối các chủng/loài có khả năng ứng dụng xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thủy sản…
Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được được 3 quy trình công nghệ nuôi C. vulgaris KT2023, S. acuminatus KT2023 và S. platensis KT2023 có khả năng ứng dụng xử lý môi trường nước thải trong nuôi trồng thủy sản đạt hiệu xuất giảm COD, BOD 80%; loại bỏ nitơ và phosphor tổng số là 80%.
|
Báo cáo kết quả nghiên cứu nêu rõ có thể sử dụng đơn chủng/loài hay 2 chủng/loài và đa chủng chủng/loài cho xử lý nước thải sau nuôi trồng thủy sản tại Kon Tum đều đạt hiệu suất xử lý các thông số nêu trên > 80% mức xử lý theo yêu cầu.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc cho báo cáo được trình bày tại Hội thảo; đồng thời, thảo luận, phân tích, chia sẻ đã làm sáng tỏ thêm những kết quả của đề tài và đề xuất hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản tại tỉnh thông qua việc áp dụng hiệu quả các giải pháp xử lý môi trường sử dụng vi tảo.
Phúc Nguyên