Hội LHPN tỉnh giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai nhiều cách làm, mô hình hay giúp hội viên, phụ nữ, nhất là hội viên, phụ nữ người DTTS phát triển kinh tế.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 99.203 hội viên phụ nữ, trong đó hội viên phụ nữ là người DTTS chiếm khoảng 53%. Để giúp hội viên, phụ nữ có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN tỉnh đã chủ động thực hiện tốt các hoạt động ủy thác vốn vay với các tổ chức tín dụng như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua ký kết các thỏa thuận hợp tác, các chương trình phối hợp.
Qua đó, đã phối hợp giải ngân trên 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi cho hơn 60.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động; 2.500 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các cấp hội đã vận động gần 100.000 lượt hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm và tham gia các loại hình tiết kiệm với tổng số tiền trên 72 tỷ đồng để tạo lập nguồn vốn chủ động giúp nhau phát triển sản xuất.
|
Cùng với đó, các cấp hội đã xây dựng 130 mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã (trong đó 4 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác, 87 tổ liên kết) về sản xuất, chăn nuôi tại các huyện, thành phố thu hút hơn 2.000 hội viên, phụ nữ tham gia, trong đó có trên 90% là phụ nữ DTTS.
Hằng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và đã có 9 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Kon Tum đạt giải Cuộc thi do Trung ương Hội tổ chức. Các cấp hội đã phối hợp với các ngành, các tổ chức, dự án kết nối, hiện thực hóa 51 ý tưởng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ Kon Tum với tổng số vốn hơn 6,6 tỷ đồng; xây dựng các gian hàng tiêu thụ, quảng bá, kết nối sản phẩm từ các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ quản lý được thành lập.
|
Thực hiện Cuộc vận động gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp hội thực hiện đồng bộ hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh với việc duy trì và nhân rộng được 27 mô hình “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”, duy trì chăm sóc 21 mô hình “Đường, làng nhà tôi xanh, sạch đẹp”; 19 mô hình về “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn”; 144 mô hình về bảo vệ môi trường. Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động trên, đã hỗ trợ, tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho hội viên, phụ nữ, góp phần hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời bước đầu đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Chị Trần Thị Phong Lan – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Qua hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động, đa số hội viên, phụ nữ người DTTS đã biết xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp với khả năng và phát huy lợi thế ngay tại địa phương, mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để bắt đầu chuyển sang tổ chức hoặc tham gia các mô hình phát triển kinh tế tập thể; biết xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, đã có 1.383 hộ phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS trong gia đình và xã hội.
Văn Tùng