Học thêm ở trường, tự nguyện hay bắt buộc?
Đầu năm học nào cũng vậy, các bậc phụ huynh lại băn khoăn với hai chữ “tự nguyện”. Nào là tự nguyện học thêm, nào là tự nguyện đóng góp các khoản. Và tất nhiên sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu tự nguyện đúng nghĩa là tự nguyện. Nhưng, đằng sau sự tự nguyện đó vẫn còn bao băn khoăn, thắc mắc, mà lấy đơn cử ngay từ chuyện học thêm được định danh tự nguyện ở trong nhà trường.
Khác với các khoản đóng nộp “núp bóng” hình thức tự nguyện đang dần được siết chặt khi ngành Giáo dục có công văn yêu cầu nhà trường không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện để thu các khoản thu ngoài quy định, không được thông qua ban đại diện để thực hiện các dịch vụ, liên doanh, liên kết, sử dụng tài sản công trái quy định…, thì việc triển khai học thêm trong một số trường học dưới hình thức tự nguyện vẫn là một nội dung khiến nhiều phụ huynh băn khoăn vào đầu năm học mới.
Sự băn khoăn này đã được các bậc phụ huynh có con đang theo học ở một trường THCS bày tỏ trên nhóm zalo riêng của phụ huynh (không có giáo viên chủ nhiệm) ngay sau buổi họp phụ huynh đầu năm học mới 2024 - 2025. Sẽ không có gì đáng bàn về mẫu đơn xin học thêm (học tăng cường), trong đó có nội dung “xin cam kết việc đăng ký học nâng cao này là tự nguyện của gia đình” được giáo viên chủ nhiệm gửi trước cho học sinh để phụ huynh điền thông tin gửi lại cho giáo viên chủ nhiệm ngay trong buổi họp phụ huynh. Vấn đề là ở chỗ, dù trong đơn ghi rõ “là tự nguyện của gia đình” nhưng trong các buổi sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở các em học sinh phải đi học tăng cường đầy đủ, đảm bảo 100%. Vậy là, dù trên văn bản là tự nguyện nhưng qua trao đổi thông tin lại vô hình trung thành bắt buộc, và không ít phụ huynh dù không có nhu cầu vẫn phải ngậm ngùi “tự nguyện” đăng ký cho con.
|
Và như đã nói, dù đã tự nguyện nộp đơn đăng ký, nhưng phụ huynh vẫn cứ băn khoăn, vẫn thắc mắc. Người thì cho rằng gia đình không có điều kiện đưa đón con, người thì đã cho con đi học thêm nhiều lớp ngoài nhà trường nên nếu học thêm ở trên trường nữa các con sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, không có thời gian để tự học và hoàn thành các bài tập.
Dù có muôn vàn lý do, nhưng khi nghe con kể giáo viên chủ nhiệm liên tục nhấn mạnh cả lớp phải đăng ký đi học tăng cường, không ít phụ huynh lại ngẫm nghĩ, rồi phụ huynh nọ nhìn phụ huynh kia, con người ta học cũng ráng cho con mình học. Không ít phụ huynh còn tự dặn lòng, biết là chưa thuận lòng nhưng cứ đăng ký cho con đi học vừa có được sự yên tâm, vừa biết đâu “trăm hay không bằng tay quen” – con mình dù có hay, có giỏi đến mấy cũng không thể bằng việc đã quen dạng bài đã được luyện, quá trình thi cử, kiểm tra cũng thêm thuận tiện.
Nhưng, vì tự nguyện mà chưa thuận lòng, chỉ cần một phụ huynh nêu quan điểm trong nhóm, thôi thì, đủ các tâm tư, đủ các chia sẻ. Một số phụ huynh bày tỏ, quy định việc học thêm là tự nguyện, không phải bắt buộc, nên dù nhà trường, giáo viên có nhắc nhở với học sinh trong các buổi sinh hoạt lớp là phải đi học 100%, nhưng xét thấy không có nhu cầu hoặc điều kiện gia đình không đảm bảo thì không nên đăng ký.
Công bằng mà nói, cũng như dạy thêm ở ngoài nhà trường, việc tổ chức dạy thêm học thêm (học tăng cường, học bổ trợ…) trong nhà trường đều nhằm mục đích hỗ trợ nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Bởi, trong điều kiện thời gian tiết học chính khóa chỉ 45 phút, khối lượng kiến thức nhiều, giáo viên chủ yếu tập trung vào những kiến thức cơ bản, còn những kiến thức nâng cao, chuyên sâu khó mà truyền đạt hết. Bởi vậy, chuyện dạy thêm học thêm nói chung (trong nhà trường hay ngoài nhà trường) dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phải khẳng định rằng đều xuất phát từ chính nhu cầu của học sinh, của phụ huynh. Và có cầu ắt có cung, các lớp học thêm ngoài nhà trường cũng như trong nhà trường trong thời gian qua đã thu hút rất nhiều học sinh tham gia.
Tuy nhiên, nếu như học thêm ngoài nhà trường là do chính học sinh, phụ huynh chủ động chọn lựa giáo viên, khung thời gian học phù hợp thì học thêm trong nhà trường lại theo lịch học và phân công giáo viên của nhà trường. Bởi vậy, như đã nêu, vì nhiều lý do khác nhau, một số phụ huynh không khỏi băn khoăn.
Phải khẳng định rằng, việc học thêm trong nhà trường hay ngoài nhà trường là tự nguyện, không phải bắt buộc. Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã quy định rõ: “Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm”.
|
Học thêm hay không học thêm là xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của chính phụ huynh, học sinh. Kiểu tự nguyện nhưng thiếu thuận lòng như trong câu chuyện vừa nêu chắc rằng không chỉ dừng lại sau buổi họp phụ huynh của một lớp học, mà sẽ còn ở những lớp khác, trường khác trong những ngày đầu năm học mới này. Không để những băn khoăn, thắc mắc trong phụ huynh, học sinh kéo dài, các trường cần phải có sự quán triệt các quy định, trao đổi rõ ràng, cụ thể, để tất cả cùng hiểu tự nguyện đúng nghĩa là tự nguyện, không phải tự nguyện trong bắt buộc hoặc không muốn tự nguyện cũng không xong.
Nguyên Phúc