Giúp người dân vùng biên thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”(Cuộc vận động), Đảng ủy, chính quyền xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều cách làm, mô hình hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh.
Lập gia đình tách hộ, vợ chồng chị Y Gút ở thôn Giăng Lố 1 luôn nỗ lực phấn đấu thoát nghèo. Đầu năm 2022, từ nguồn của UBND xã, Hội LHPN đã hỗ trợ cho gia đình chị Y Gút một con bò sinh sản, đồng thời hướng dẫn chị cách làm chuồng trại để thay đổi thói quen nuôi thả rông.
|
Chị Y Gút cho biết: Được hỗ trợ bò, gia đình tôi đã đầu tư làm chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ hội tại nhà bố mẹ vì ở đó đất rộng, đồng thời trồng thêm cỏ voi để đảm bảo thức ăn cho bò vào những ngày mưa rét.
Chị Y Gút là 1 trong 6 hội viên phụ nữ được Hội LHPN xã giới thiệu, nhận nguồn hỗ trợ bò giống của UBND xã để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đồng thời để các chị em từ bỏ thói quen chăn nuôi thả rông chuyển sang nuôi có chuồng trại để mang lại hiệu quả cao.
Hội CCB xã cũng được UBND xã Sa Loong hỗ trợ 6 con bò giống giúp các hội viên DTTS vươn lên phát triển kinh tế.
Là một trong những hội viên được nhận hỗ trợ bò, anh A Dậu (thôn Giang Lố 2) cho biết: Được tiếp nhận chăm sóc bò mẹ, tôi đã tận dụng gỗ sẵn trong nhà để dựng chuồng và tận dụng đất trống trong vườn cà phê để trồng cỏ. Hiện bò mẹ khỏe mạnh và đang mang thai. Với tôi, đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà hơn cả là sự động viên, quan tâm, sẻ chia nghĩa tình, giúp hộ nghèo như tôi có động lực vượt khó vươn lên.
Anh Bùi Văn Thắng – Chủ tịch Hội CCB xã Sa Loong cho biết: Các hộ được nhận hỗ trợ đều là hội viên DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Để được nhận bò, các hội viên phải làm chuồng trại, trồng cỏ voi, từ đó giúp bà con thay đổi cách chăn nuôi so với trước đây. Để mô hình bò sinh sản thực sự mang lại hiệu quả, Hội CCB xã thường xuyên kiểm tra, giám sát định kỳ 1 lần /tháng về tình hình sinh trưởng, phát triển của bò. Đồng thời, các hộ thực hiện cam kết chăm sóc tốt cho bò mẹ, khi phát hiện bệnh thì phải báo ngay cho cán bộ hội, đền bù nếu để bò mẹ chết mà không báo cáo.
Ngoài mô hình bò sinh sản, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã đã sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ vì người nghèo hỗ trợ cho 2 hộ nghèo ở thôn Cao Sơn tham gia mô hình nuôi heo sinh sản với kinh phí 17,9 triệu đồng. Cùng với đó, xã còn vận động 8 hộ dân tham gia mô hình trồng rừng tại tiểu khu 200A và tiểu khu 198 với tổng số tiền 210 triệu đồng. Đến nay, người dân đã trồng rừng đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, xã đã vận động được 60 hộ dân tham gia mô hình trồng rau xanh, với kinh phí hỗ trợ 6 triệu đồng, qua đó giúp các hộ dân cải tạo vườn tạp, cải thiện bữa ăn gia đình.
Một trong những kết quả nổi bật khi triển khai Cuộc vận động đó là xóa nhà tạm. Năm 2021, 2022, trên địa bàn xã có 34 hộ nghèo đăng ký và xóa được nhà tạm. Ngoài những gia đình được hỗ trợ tiền, có một số hộ đã chủ động vay mượn để xóa nhà tạm. Từ đó góp phần giúp xã về đích nông thôn mới vào cuối năm 2022.
|
Ông Nguyễn Thành Lương - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động, đã có 80% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn duy trì hủ tục, phong tục không còn phù hợp; 20% số hộ đồng bào DTTS biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lí để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; khoảng 15% số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Văn Tùng