Giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đăk Tô đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) với chương trình trọng tâm là xây dựng mô hình bón phân cân đối, hợp lý cho cây lúa nước vụ Đông-Xuân năm 2021-2022, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức và cách làm.
|
Mục đích của mô hình này là làm cho hội viên nông dân hiểu và thực hiện đúng về quy trình, kỹ thuật bón phân cân đối, hợp lý cho cây lúa nước, nhằm ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm lúa gạo, ổn định lương thực tại chỗ cho hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS.
Mô hình được Hội Nông dân huyện phối hợp với UBND và Hội Nông dân các xã Đăk Trăm, Văn Lem, Ngọc Tụ và Pô Kô triển khai. Theo đó, mỗi xã lựa chọn 1 thôn để thực hiện mô hình này. Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí Cuộc vận động và kinh phí đối ứng của hội viên nông dân tham gia mô hình.
Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Đăk Tô, trước đây, người dân thường canh tác lúa nước theo tập tục cũ, lạc hậu, trồng và chờ đến ngày thu hoạch; năng suất lúa thấp. Sau thi thực hiện mô hình, các hội viên đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, bón phân cân đối, hợp lý cho cây lúa. Từ nguồn kinh phí thực hiện Cuộc vận động và kinh phí đối ứng, Hội Nông dân huyện hỗ trợ các hội viên 3 đợt phân để bón thúc cho cây lúa.
Dẫn tôi đi đến xem mô hình mẫu tại thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm, ông Nguyễn Tiến Sỹ chỉ rõ sự khác biệt giữa diện tích cây lúa được bón phân và không bón phân. Diện tích lúa sản xuất theo mô hình mẫu phát triển tốt và xanh hơn nhiều so với diện tích lúa được trồng theo tập quán cũ.
Ông A Nốt – thôn phó thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm, người trực tiếp tham gia mô hình chia sẻ: Trong thôn có 6 hộ tham gia mô hình mẫu này với tổng diện tích là 2,3 sào. Trước đây, người dân canh tác theo tập quán cũ, cuốc đất lên và cày bừa, sau đó cấy lúa, không sử dụng phân bón khiến cho năng suất lúa thấp. Từ khi tham gia thực hiện mô hình, người dân đã biết bón phân cân đối, hợp lý cho cây lúa. Cây lúa phát triển tốt hơn nhiều so với trước, ai cũng phấn khởi.
“Đối với những hộ dân không tham gia mô hình bón phân cân đối, hợp lý cho cây lúa nước, khi thấy các cấp Hội Nông dân tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sử dụng phân bón để bón cho cây lúa thì vẫn tham gia và học hỏi. Sau khi nhận thấy cây lúa được bón phân phát triển tốt hơn nên nhiều hộ gia đình đã bỏ tiền ra mua phân bón cho lúa” - chị Y Khó, hội viên tham gia mô hình cho biết.
Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết: Thực hiện các công đoạn của mô hình, bà con được hướng dẫn theo phương châm “cầm tay chỉ việc” để đạt được kết quả tốt nhất. Để góp phần thực hiện tốt mô hình, cán bộ công chức xã tham gia phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình, thực hiện các khâu làm đất, chọn giống lúa và bón phân theo quy định. Cuộc vận động đến nay ở xã đã có những tín hiệu tích cực, là “bàn đạp” để chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình trong thời gian đến.
Với việc chọn mô hình thiết thực và hiệu quả, Cuộc vận động góp phần làm cho đồng bào DTTS chuyển biến từ suy nghĩ đến nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng bón phân cân đối, hợp lý và khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, góp phần nâng cao năng suất lúa ở địa phương. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều mô hình mới, hiệu quả và giúp người dân nâng cao đời sống.
Thiên Lương