Giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn
Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; công tác xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn được ngành đặc biệt quan tâm và đã đạt được một số kết quả khả quan.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 9/10 huyện, thành phố có bãi xử lý chất thải rắn tập trung; riêng huyện Ia H’Drai đang đề xuất chủ trương xin đầu tư, xây dựng bãi rác. Trong đó, 6/9 huyện, thành phố có bãi chôn lấp chất thải rắn gồm: thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Ngọc Hồi nằm trong quy hoạch bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và thông thường; 3/9 huyện có bãi chôn lấp chất thải rắn (Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy) nằm ngoài quy hoạch.
Thực trạng đáng quan tâm trong công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cần phải có giải pháp trong thời gian sắp tới, đó là hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn có quy mô nhỏ, đang trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn, gây khó khăn trong việc phân loại, xử lý. Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố Kon Tum được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Kon Tum, tại huyện Đăk Hà do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH thực hiện; các huyện còn lại do Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện thực hiện.
|
Mặc dù khu vực thành phố Kon Tum và các huyện đều đã được quy hoạch khu vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, nhưng hiện nay chỉ có 5 dự án đã và đang đầu tư xây dựng gồm Nhà máy xử lý rác thải thành phố Kon Tum, Nhà máy xử lý rác Đăk Hà, bãi rác huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Việc xử lý rác thải rắn hầu hết đều sử dụng phương thức chôn lấp đã không còn phù hợp với xu thế xử lý rác thải hiện nay. Chỉ có Nhà máy xử lý rác thải của thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà xử lý bằng phương pháp đốt, làm phân vi sinh và chôn lấp. Điều đáng nói là, hiện tại bãi rác tại các huyện đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp, không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, tại Khu công nghiệp Hòa Bình, chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom với khối lượng khoảng 5.082 kg/ngày. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp phân tán được xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau, chủ yếu tập trung vào phương pháp tái chế, đốt, chôn lấp tự do, hoặc hợp đồng với đơn vị thu gom vận chuyển đến bãi chôn lấp chung với chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại tại các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn diễn ra tự phát, chưa được quản lý.
Tổng khối lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phát sinh năm 2021 khoảng 501,880 tấn/ngày; trong đó có 172,875 tấn sinh hoạt đô thị và 329,005 tấn sinh hoạt nông thôn. Tỷ lệ thu gom rác trên địa bàn tỉnh có sự khác nhau giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn; trong đó, tại khu vực đô thị khoảng 85% (tương đương với 146,94 tấn/ngày) và khu vực nông thôn 55% (tương đương với 180,95 tấn/ngày). Tại một số khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.
Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 135 Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại cho các đối tượng là các cơ sở, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 139,6 tấn/năm, khối lượng chất thải nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng 135,9 tấn/năm, đạt tỷ lệ 97,3%. Đối với các đơn vị đã được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, hầu hết các đơn vị đã hợp đồng với tổ chức có chức năng ngoài tỉnh để chuyển giao xử lý.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Lộc cho hay: Để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tuyên tuyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn những quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; xử lý cương quyết, triệt để, kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc cho nhân dân. Đề xuất bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện hệ thống bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư. Tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm về tiếng ồn, bụi, khí thải, nước thải ra khỏi khu dân cư và chuyển dần vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết các thủ tục đầu tư dự án; xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường đối với các vùng, khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ vốn cho các hoạt động bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn tập trung và các dự án có các mô hình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, tái chế, tái sử dụng chất thải. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động đối với các dự án đầu tư, các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm cao, các cơ sở có quy mô xả thải lớn.
Quang Định