Gắn kết hộ- mô hình hiệu quả, thiết thực
Từ năm 2009, Công ty 732 (Binh đoàn 15) bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “Gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS trên địa bàn 4 xã Đăk Xú, Đăk Kan, Sa Loong (Ngọc Hồi) và xã Rờ Kơi (Sa Thầy). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường an ninh khu vực biên giới.
Công ty 732 có 10 đội sản xuất, đứng chân trên địa bàn 31 thôn làng và kết nghĩa với 22 thôn làng dọc tuyến biên giới. Từ khi triển khai mô hình gắn kết hộ đến nay, Công ty đã tổ chức được 9 đợt gắn kết hộ, với 262 cặp hộ. Qua đó, các gia đình kết nghĩa với nhau, gắn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt. Tình đoàn kết, keo sơn này không chỉ giúp bà con đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo mà còn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Qua công tác gắn kết hộ đã làm chuyển biến tích cực về nếp nghĩ, cách làm, của lao động người DTTS ở địa phương. Các hộ người DTTS nhận khoán được các hộ người Kinh hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, khai thác mủ cao su và trực tiếp giúp nhau những công việc hàng ngày như trang bị vật tư, bón phân, khai thác mủ đảm bảo hoàn thành tốt sản lượng giao khoán. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, với thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các cặp hộ thường xuyên động viên thăm hỏi nhau lúc khó khăn hoạn nạn, giỗ chạp, hiếu hỷ, mua tặng các vật dụng sinh hoạt gia đình như ấm chén, bát đũa, quạt, nồi cơm điện, chăn, chiếu, màn và nhiều vật dụng thiết yếu khác.
|
Điển hình trong phong trào này có cặp hộ anh Phạm Văn Phương (thôn 4, Sa Loong) – hộ A Sang (thôn Bun Ngai, Sa Loong), đều là công nhân khai thác mủ cao su thuộc Đội 4, Công ty 732. Anh Phương là một trong những người đầu tiên hưởng ứng phong trào “Gắn kết hộ”. Ngoài thời gian làm việc tại đơn vị, gia đình anh Phương đầu tư trồng 2ha cao su, 500m2 cà phê, 3.000m2 lúa nước, tổng thu nhập của gia đình cũng hơn 600 triệu đồng/năm. Từ năm 2011, thấy gia đình A Sang còn nhiều khó khăn nên anh khuyên bảo vào làm công nhân ở Công ty 732. Từ đó, hai gia đình đã kết nghĩa và bảo ban nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Ở gần nhau nên hai gia đình cũng giúp nhau nhiều, việc nào hộ A Sang không biết thì chỉ bảo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su, cà phê, lúa nước và qua lại, giúp đỡ nhau công việc nhà, hỗ trợ lúc ốm đau.
Anh A Sang cho biết: Gia đình về làm công nhân cho công ty từ năm 2011, hiện 2 vợ chồng nhận khoán diện tích của công ty được 6ha cao su, ngoài ra, gia đình còn trồng riêng 400m2 cà phê và 1ha mì. Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của gia đình anh Phương, gia đình biết được kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật, mang lại năng suất cao, từ đó kinh tế gia đình có nhiều thay đổi, không còn khó khổ như trước. Có việc gì khó anh chị đều hỗ trợ hết mình, khi nào anh chị cần việc gì gia đình tôi cũng qua giúp. Vì không có người thân ở gần nên có gì cũng phải nhờ đến gia đình anh Phương. Nhờ vậy, hiện thu nhập của gia đình cũng đạt 300 triệu đồng/năm, đủ chu cấp cho con cái ăn học và chi tiêu hàng ngày.
|
Hiện nay, Công ty 732 đã có 479 hộ xin vào làm công nhân, đời sống được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng, định mức giao khoán từ 50 - 70% đã tăng trên 100% kế hoạch, tay nghề khá giỏi đạt trên 95%. Ngoài ra, các hộ gắn kết còn tuyên truyền, vận động bà con tố giác các loại tội phạm và người xấu ở các thôn, làng trên địa bàn; xây dựng thôn, làng và các gia đình có đời sống văn hóa tiến bộ, từ bỏ các phong tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, cho con em đi học, qua đó góp phần nâng cao dân trí, nhận thức cho đồng bào DTTS.
Trung tá Nguyễn Văn Chính – Chủ nhiệm Chính trị Công ty 732 cho biết, “Gắn kết hộ” là một trong những mô hình dân vận mang lại hiệu quả tích cực của đơn vị. Thời gian tới, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công ty tiếp tục quan tâm nhân rộng mô hình này và xây dựng các chương trình kế hoạch hàng tháng, thường xuyên nắm bắt, đánh giá chất lượng hoạt động của các cặp hộ để điều chỉnh kịp thời. Đơn vị cũng đã thành lập ra câu lạc bộ “Cặp hộ 4 tốt” nhằm giúp các cặp hộ gia đình đã kết nghĩa tham gia vào câu lạc bộ để giao lưu, học hỏi, ngoài giúp nhau trong công việc của đơn vị còn giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình và trong đời sống hàng ngày. Qua đó, cũng giúp nhân rộng tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nguyễn Ban