Gần dân để giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), Đảng ủy xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông đã phân công các tổ công tác về với dân, qua đó để triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIX đã đề ra.
Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tăng Nguyễn Thị Hằng cho biết: Toàn xã hiện có 458 hộ đồng bào DTTS, chiếm 98% số hộ của xã. Trước khi có Cuộc vận động, bà con chủ yếu sản xuất cây mì, cây lúa dựa vào tự nhiên, thiếu chăm sóc; nuôi nhốt gia súc ở gần nhà, không biết trồng rau xanh quanh vườn để cải thiện bữa ăn, không biết chi tiêu tiết kiệm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bà con mê tín dị đoan, nạn tảo hôn, rượu chè, lười biếng lao động nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng từ khi thực hiện Cuộc vận động đến nay, với quan điểm làm kiên trì, kiên quyết, không nóng vội, gượng ép, cùng với lộ trình, bước đi phù hợp, Đảng ủy xã chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức phát động Cuộc vận động và ký kết giao ước thi đua giữa bí thư chi bộ, trưởng thôn và ban công tác Mặt trận của 6/6 thôn trong xã; xây dựng chương trình phối hợp giữa UBND xã và Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã; chỉ đạo các đoàn thể chính trị-xã hội xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động cả giai đoạn và hàng năm, đăng ký xây dựng các mô hình thực hiện ở các thôn.
Đồng thời, Tổ cấp ủy huyện và Tổ 04 phụ trách xã đã quan tâm sâu sát, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở Đảng ủy, chính quyền xã triển khai Cuộc vận động một cách thiết thực, hiệu quả; bám sát cơ sở nắm tình hình của nhân dân và những khó khăn vướng mắc để trực tiếp chỉ đạo và giúp cho cấp ủy xã chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở.
Các cơ quan của tỉnh và huyện kết nghĩa cử cán bộ, đảng viên nhiệt tình về xã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ theo nội dung của nghị quyết các cấp.
Đảng ủy xã đã chỉ đạo hệ thống chính trị tổ chức 12 buổi tuyên truyền tại 6/6 thôn với 458 hộ tham gia, đạt 100% số hộ đồng bào DTTS của xã. Nội dung tuyên truyền tập trung vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, tiến đến xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới; chăm lo cho con em đến trường, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, bán bớt trâu bò đã lớn đầu tư vào phát triển cây con giống khác; quan tâm đến sức khỏe, dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm.
Đến nay, toàn xã Đăk Tăng có 110 hộ DTTS, chiếm 24% số hộ DTTS của xã đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những thủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước, tự vươn lên thoát nghèo bền vững bằng việc chủ động vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, tự đầu tư mua các loại cây, con giống để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; 85 hộ tham gia vào 1 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác. Nhân dân đã chủ động mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất như: máy cày cầm tay, máy gặt lúa cầm tay, máy tuốt lúa công suất cao... Trong đó, có 74 hộ, chiếm 16% hộ DTTS của xã áp dụng tốt khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.
|
|
Kể từ khi thực hiện Cuộc vận động đến nay, các tổ công tác được phân công phụ trách ở các thôn của xã đã vận động, hướng dẫn bà con triển khai thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế như: “Nuôi cá lồng bè” ở thôn Vi Ring, “Nuôi heo địa phương” ở thôn Rô Xia, “Nuôi trâu sinh sản” ở thôn Đăk Pờ Rồ, “Trồng cây ba kích” ở thôn Đăk Tăng; “Trồng sâm dây” ở thôn Vi Xây, Vi Ring, Rô Xia; “Trồng cây cà phê xứ lạnh” ở thôn Vi Xây, Đăk Tăng, Đăk Pờ Rồ… Về văn hóa xã hội, các mô hình như: “Nhà sạch - vườn đẹp - làng văn minh” được triển khai ở tất cả các thôn; “Đường cây xanh” của Xã đoàn; “Xây dựng lò đốt rác” ở thôn Vi Xây, Đăk Pờ Rồ, Vi Ring và tại trụ sở UBND xã; “Cổng làng đẹp, sạch” ở thôn Rô Xia… đều triển khai có hiệu quả.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Hằng cho biết, trong thời gian tới, hệ thống chính trị của xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nội dung, chủ trương Cuộc vận động đến với người dân; vận động nhân dân đẩy mạnh việc thực hiện các mô hình về chăn nuôi trâu, heo đen, gà, vịt có chuồng trại; trồng cây đẳng sâm, cà phê; vệ sinh thôn, làng, nhà cửa. Đồng thời, vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn hộ dân vay vốn sử dụng vốn vay có hiệu quả; chấp hành nghiêm chỉnh quy định trong quản lý bảo vệ rừng, sử dụng các nguyên vật liệu khác ngoài gỗ để làm nhà và các công trình khác phục vụ cuộc sống. Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tại các thôn về Cuộc vận động trực tiếp mỗi tuần ít nhất 1 ngày xuống tại thôn phụ trách để tuyên truyền, vận động. Có như vậy, Cuộc vận động sớm đi vào lòng dân, qua đó tạo điều kiện để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên đổi thay cuộc sống.
Trần Văn Phúc