Đồng hành cùng hội viên phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Đăk Hà đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đồng hành cùng hội viên phụ nữ DTTS vươn lên thoát nghèo.
Nhìn đàn gà đang sinh sôi, phát triển, chị Y The - hội viên phụ nữ nghèo tại thôn Đăk Xế - Kơ Ne, xã Đăk Long khấp khởi vui mừng. Sau gần một năm dày công chăm sóc, từ 50 con gà giống ban đầu được Hội LHPN xã hỗ trợ, đến nay gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi gà. Thành quả này, vừa là tín hiệu khả quan bước đầu của mô hình hỗ trợ sinh kế cho chị em khởi nghiệp của Hội LHPN xã Đăk Long, vừa là niềm động viên, tạo điều kiện để gia đình chị mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Chị Y The cho biết, sau khi tách hộ ra ở riêng, vì không có ruộng rẫy nên hai vợ chồng cũng đã nghĩ tới chuyện phát triển chăn nuôi. Nhưng vì không có vốn, lại chưa từng chăn nuôi nhiều nên e ngại. Được sự hỗ trợ con giống, lại được học hỏi các chị em đi trước nên gia đình đã biết nuôi gà bằng cám, kết hợp với tận dụng thức ăn xung quanh có sẵn như cây chuối, cỏ, bắp, củ mì… Vừa tiết kiệm được khoản chi phí mua cám, vừa bổ sung thêm chất cho gà nhanh lớn. Từ kết quả này, hai vợ chồng sẽ bỏ tiền mua thêm mấy chục con ngan nữa để chăn nuôi. Vừa có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày và để sớm thoát nghèo.
Theo chị Nguyễn Thị Thuận - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Long, chị Y The chỉ là một trong số gần 50 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ sinh kế tại xã Đăk Long. Với đặc thù gần 100% hội viên phụ nữ là người DTTS còn gặp nhiều khó khăn, Hội LHPN xã đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Trong đó, chủ động phối hợp với các đoàn thể, UBND xã để tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức cũng như kỹ thuật cho chị em trong chăn nuôi và trồng trọt. Vừa cầm tay chỉ việc, vừa chú trọng duy trì các mô hình tổ đổi công, quỹ tiết kiệm.
Đến nay, bên cạnh nguồn vốn ủy thác trên 7 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, Hội đã hỗ trợ cho trên 140 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ nghèo phát triển bền vững diện tích các loại cây cà phê, cao su, chăn nuôi gia súc gia cầm, nâng cao thu nhập - chị Thuận thông tin thêm.
Với quan điểm “trao cần câu hơn trao xâu cá”, các hoạt động hỗ trợ sinh kế luôn được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Đăk Hà quan tâm chú trọng. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế gắn với động viên, tuyên truyền để chị em hội viên phát huy tính chủ động, dám nghĩ dám làm, không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn hỗ trợ những hội viên yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cùng phát triển.
Đơn cử như tại thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar. Sau khi được chọn điểm xây dựng làng DTTS nông thôn mới nâng cao trong năm 2022, cùng với công tác tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, hội viên phụ nữ xã đã phối hợp với các cụm thi đua phụ nữ trên địa bàn huyện tổ chức triển khai và được 100% cán bộ, hội viên tích cực tham gia hưởng ứng.
|
“Chúng tôi đã xác định được, những khó khăn của chị em trong việc phát triển kinh tế gia đình là một trong những nguyên nhân làm các phong trào công tác hội chưa phát huy được hiệu quả. Từ đó, vận động các nguồn hỗ trợ để cấp con giống cho chị em. Khi có con giống thì vận động chị em làm chuồng trại hợp vệ sinh, chăn nuôi gia cầm gắn với bảo vệ môi trường..., qua đó, nhận thức của chị em về việc vươn lên thoát nghèo gắn với xây dựng khu dân cư NTM nâng cao cũng được thực hiện một cách hiệu quả” - chị Y Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Mar chia sẻ.
Bên cạnh việc đồng hành cùng chị em trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, linh hoạt triển khai các phong trào, hoạt động gắn với thực tiễn tại cơ sở. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động và phát huy được vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM tại địa phương.
Trên thực tế, bản chất của việc thay đổi nếp nghĩ - cách làm cũng là việc biến nhận thức thành hành động, đưa lý luận vào thực tiễn. Để làm tốt được điều này, những hoạt động mang tính chất “đồng hành” như các cấp hội phụ nữ huyện Đăk Hà đã và đang triển khai cũng là yếu tố quan trọng để tiếp thêm động lực cho đồng bào DTTS phát huy tinh thần, ý thức tự giác không chỉ trong việc giảm nghèo, mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương.
Trọng Nghĩa