Đổi thay ở vùng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy
Thời gian qua, huyện Sa Thầy tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) trên địa bàn. Qua đó, góp phần làm thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất của đồng bào DTTS.
Để thực hiện Cuộc vận động có hiệu quả, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, huyện Sa Thầy tập trung phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, lấy các gương điển hình trong lao động, sản xuất và các già làng, người có uy tín trong cộng đồng làm lực lượng xung kích trong việc triển khai, thực hiện thí điểm các mô hình để làm gương và triển khai nhân rộng.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội các cấp của Sa Thầy nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và thực hiện ký cam kết với người có uy tín trong cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào DTTS trong việc phối hợp hỗ trợ triển khai Cuộc vận động; thực hiện gương mẫu trong lao động, sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa để các hộ khác noi theo.
|
Từ khi triển khai Cuộc vận động đến nay, huyện Sa Thầy đã tiến hành cấp phát 30 bộ tài liệu tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động; phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 12 đợt tuyên truyền với gần 1.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền được tổ chức lồng ghép linh hoạt, đã phổ biến sâu rộng đến 100% các hộ đồng bào DTTS thông qua các cuộc họp của thôn, làng, sinh hoạt các đoàn thể ở khu dân cư; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề; xây dựng phóng sự, trang tin tuyên truyền về các mô hình hay, cách làm hiệu quả trên các phương tiện truyền thông của địa phương.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy đã dần tự lực vươn lên, tiết kiệm trong chi tiêu để sử dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ từ những mô hình; tích cực tham gia các chương trình, đề án về phát triển vùng đồng bào DTTS như: Đề án cải tạo vườn tạp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; khai thác tiềm năng, lợi thế nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông; tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản; duy trì và phát triển các ngành, nghề truyền thống.
Đến nay, huyện Sa Thầy đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế tại các địa phương (mô hình điểm ở cấp xã và cấp huyện) để nhân rộng, bước đầu khẳng định hiệu quả tích cực.
Theo đó, đối với cấp huyện tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình như: Mô hình nuôi heo sọc dưa với quy mô 60 hộ/240 con tại các xã (gồm Sa Bình, Ya Xiêr, Hơ Moong, Ya Tăng, Mô Rai) đã phát huy hiệu quả tích cực, hiện nay nhiều hộ gia đình đã đầu tư thêm con giống, chuồng trại và nhân rộng tại các thôn làng người đồng bào DTTS; mô hình cây Gáo vàng tiếp tục chăm sóc, cây sinh trưởng và phát triển tốt với tỷ lệ sống trên 90%, chiều cao trung bình từ 1,2-1,6 m; mô hình nuôi ếch lồng tại xã Hơ Moong có tỷ lệ nuôi sống trên 75% với quy mô 10 lồng/3 hộ đã giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sinh sống tại lòng hồ thủy điện Plei Kroong xã Hơ Moong; mô hình trồng sầu riêng ghép theo hướng VietGap tại xã Ya Xiêr với quy mô 10 ha/59 hộ sinh trưởng phát triển tốt với tỷ lệ sống trên 95%; mô hình nuôi cá lồng tại xã Hơ Moong có tỷ lệ sống trên 85% với quy mô 10 lồng/HTX; mô hình trồng rừng sản xuất với quy mô 137 hộ/184,6ha có tỷ lệ sống đạt 95%.
|
Đối với cấp xã đã có nhiều mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình nuôi heo sọc dưa tại xã Sa Nhơn, Ya Xiêr; mô hình cải tạo vườn tạp tại xã Ya Tăng, Sa Sơn; mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng và rào vườn trồng rau xanh tại thị trấn Sa Thầy; mô hình trồng khoai môn sáp tại xã Sa Nghĩa; mô hình thu gom rác thải tại xã Sa Sơn; mô hình chăn nuôi có chuồng trại tại xã Mô Rai; mô hình trồng hoa mai tạo cảnh quan môi trường tại xã Ya Xiêr.
Ngoài ra, huyện Sa Thầy tích cực vận động sự hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật, cây con giống triển khai một số mô hình như: Mô hình nuôi heo sọc dưa, cải tạo vườn tạp, trồng tre lấy măng, trồng cau. Đến nay các mô hình đều được bà con nhân dân hưởng ứng tích cực, bước đầu đàn heo và các loại cây trồng đều phát triển, sinh trưởng tốt.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng tích cực của mỗi người dân, Cuộc vận động trên địa bàn huyện Sa Thầy sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại huyện Sa Thầy.
Hoàng Thanh