Đổi thay ở Kon Krơk
Với sự đồng sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”tại thôn Kon Krơk (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) đã và đang đem lại những đổi thay đáng ghi nhận.
Cơn mưa chiều vừa dứt, A Gương đã vội vã lên khu rẫy của gia đình. Đã vài tháng nay, ngày nào cũng vậy, chiều về A Gương lại lên rẫy để dắt đàn bò về nhà. Đi bộ chừng 20 phút, tôi và A Gương đã có mặt tại vườn cao su của gia đình anh. Ở góc vườn xa xa, đàn bò nhà anh đang nhởn nhơ gặm cỏ dưới ánh chiều tà. A Gương cho biết, kể từ khi xây dựng chuồng trại tại nhà, đến nay cũng được 3 tháng, nhưng đàn bò vẫn chưa quen với việc trở về chuồng vào cuối ngày. Cũng bởi trước đây gia đình anh như bao gia đình ở Kon Krơk chăn thả gia súc tự do trên rẫy, chỉ khi nào cần sử dụng đến bò, mới lên rẫy dắt về. Gia súc dãi nắng, dầm mưa qua đêm rất dễ mắc bệnh, lại không được quan tâm, theo dõi nên nhiều khi dịch bệnh lây nhiễm cả đàn gia đình mới biết. Cách chăn thả này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế gia đình của bà con nơi đây.
|
Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nhiều nội dung phù hợp với thực tế của thôn; trong đó, việc tuyên truyền vận động người dân xây dựng chuồng trại cho gia súc, gia cầm được đặc biệt quan tâm. Với những giải pháp hợp lý, việc làm chuồng trại được các hộ gia đình hưởng ứng rất mạnh mẽ. Không chỉ gia đình A Gương, mà gần như 100% các hộ gia đình tại thôn Kon Krơk đều thực hiện.
“Cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động nhiều lắm! Mọi người dần dần hiểu và làm theo. Bản thân mình cũng cảm thấy, việc xây dựng chuồng trại cho gia súc, gia cầm là rất cần thiết. Không chỉ phòng bệnh tốt hơn trên đàn vật nuôi, mình còn có thể chủ động chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc đầy đủ. Từ đó chất lượng đàn ngày càng tăng lên, béo tốt thấy rõ” - A Gương tâm sự.
Trên đường từ rẫy A Gương trở về, chúng tôi tình cờ gặp A Thi đang đi thăm, kiểm tra vườn cà phê của mình. A Thi cởi mở trò chuyện: Trước đây bà con trồng mì là chủ yếu. Khu vực này của gia đình tôi cũng vậy. Tuy nhiên, trồng mì lâu năm, theo thời gian, đất bạc màu dần, không còn đủ tươi tốt, năng suất cũng từ đó mà giảm đi. Được chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình đã nghe, hiểu và làm theo, từng bước vươn lên, có thu nhập ổn định.
Bỏ những cây trồng đã không còn phù hợp, A Thi mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê. Nhờ được địa phương tập huấn, cung cấp kiến thức chăm sóc cây cà phê, tay nghề A Thi từng bước được nâng lên. A Thi chia sẻ, một trong những khâu giúp vườn cà phê của anh ngày càng xanh tốt, phát triển ổn định chính là sử dụng nguồn phân chuồng từ đàn gia súc của gia đình để bón cho cây.
|
“Trước đây, việc chăn thả gia súc tự do trên rẫy khiến mình không nghĩ đến cách làm này. Tuy nhiên khi được chính quyền địa phương vận động xây chuồng trại, mình đã có thể tận dụng tốt nguồn phân chuồng. Thay vì chỉ sử dụng phân hóa học, mình bón xen kẽ phân chuồng cho cây. Cứ 2 gốc cà là một bao phân. Loại phân này cây “ăn” rất lâu, cung cấp cho cà phê những dưỡng chất cần thiết để phát triển tươi tốt. Đồng thời mình cũng tiết kiệm được một khoản không nhỏ trong chi phí mua phân hóa học từ bên ngoài” - A Thi rạng rỡ.
Từ khu sản xuất về đến thôn Kon Krơk, tôi khá bất ngờ khi thấy những con đường làng rực rỡ sắc màu bởi những khóm hoa chuỗi ngọc, hoa mười giờ, hoa ly đang nở rộ. Trưởng thôn A Giúc cho biết, đây là mô hình “Hàng rào xanh” vừa được thôn triển khai trong thời gian qua. Cụ thể, mỗi chi hội (Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh) và Chi đoàn thôn sẽ lựa chọn 10 hộ gia đình tham gia trồng, chăm sóc hoa dọc các tuyến đường nội thôn. Mô hình nhằm góp phần tạo cảnh quan, làm đẹp đường làng, ngõ xóm, thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại hầu như 100% các hộ gia đình trong thôn Kon Krơk đều đã có hàng rào. Mỗi nhà chủ động cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn rau của riêng mình để phục vụ bữa ăn, tiết kiệm chi phí. Bà con hăng hái chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuồng trại. Định kỳ hằng tháng, các hộ gia đình ra quân dọn dẹp đường làng ngõ xóm, nạo vét kênh mương, giữ gìn cảnh quan thôn làng.
Ông Phan Hồng Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Réo cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai Cuộc vận động, thôn Kon Krơk đã có 31 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhận thức của các hộ gia đình về Cuộc vận động ngày một nâng lên. Đồng bào DTTS trên địa bàn dần xóa bỏ các hủ tục; không còn thói quen sản xuất du canh, lấn chiếm rừng làm rẫy. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi; chủ động đăng ký tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, các lớp học nghề nông thôn để có kiến thức làm kinh tế, tăng nguồn thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định. Cùng với thôn Kon Krơk, Cuộc vận động cũng đã lan tỏa mạnh mẽ tại 6 thôn còn lại trên địa bàn xã Ngọc Réo tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thúc đẩy địa phương ngày ổn định và phát triển.
Tất Thành