Đổi mới giáo dục, từ chủ trương đến thực tiễn
Năm học 2024-2025, Kon Tum cùng với cả nước tiếp tục hiện thực hóa Nghị quyết số 29 -NQ/TW (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết, nhiều điểm đổi mới như: thay sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học, cách đánh giá học sinh, thi cử đã trở thành hiện thực sinh động trong đời sống, khẳng định việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là tất yếu khách quan trước đòi hỏi nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.
Cũng như muôn vàn những cái mới khác khi mới bắt tay vào triển khai bao giờ cũng có nhiều khó khăn, việc triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng vậy, đặc biệt với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới có hơn 53% là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao như Kon Tum.
Khó khăn này có thể thấy rõ ngay từ việc thay sách giáo khoa. Khoảng 3 - 4 năm trước đây, khi bắt đầu mới triển khai dạy và học sách giáo khoa mới ở các khối lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp, 10), không chỉ phụ huynh, học sinh mà cả đội ngũ thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh có không ít trăn trở, băn khoăn như thiếu sách giáo khoa cho học sinh vùng khó, giá sách giáo khoa cao, khó luân chuyển sách giáo khoa, học sinh học các bộ sách giáo khoa khác nhau sẽ khó khăn khi tham dự trong một kỳ thi chung, rồi mỗi đầu sách giáo khoa được biên soạn theo mạch kiến thức riêng, cấu trúc riêng, cách tiếp cận riêng về nội dung và phương pháp khiến giáo viên gặp khó khăn khi phải điều chỉnh một số vấn đề liên quan để tiếp nối mạch nội dung tổ chức dạy học cho học sinh.
|
Tuy nhiên, sau quá trình triển khai, những băn khoăn dần được tháo gỡ, mọi việc dần đi vào nền nếp. Từ các quy định và thực tiễn, thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh và xã hội đã nhận thấy, vai trò của sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 khác so với sách giáo khoa của các năm học trước đây. Các sách giáo khoa khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình.
Năm học 2024-2025 này, Kon Tum cùng với cả nước triển khai dạy và học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở các khối lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9 và lớp 12), hoàn tất việc đưa vào dạy và học sách giáo khoa mới ở tất cả các khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 12). Với quan điểm đảm bảo sự ổn định, tạo thuận lợi cho học sinh, cha mẹ học sinh, ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyệt đối không để xảy ra việc thay đổi các đầu sách mà không đảm bảo quy trình, thiếu công khai, minh bạch, gây xáo trộn, khó khăn cho quá trình trang bị sách giáo khoa của cha mẹ học sinh.
Cùng với thay sách giáo khoa, một điểm đổi mới khác có tác động đến từng học sinh, từng gia đình đó chính là đổi mới thi cử, kiếm tra, đánh giá học sinh. Nghị quyết 29-NQ/TW chỉ rõ: Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận.
|
Thực tế đổi mới phương thức thi – tuyển sinh trong những năm qua, rõ nhất là qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT (một kỳ thi nhằm hai mục đích vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng) cho thấy, đây là một trong những giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, thậm chí còn được coi là khâu đột phá, ưu tiên. Đổi mới trong thi cử đã được dư luận đánh giá giảm áp lực, phân luồng được học sinh và từ đổi mới thi cử đã có sự đổi mới theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Học sinh mừng vì có nhiều cơ hội được xét tuyển chỉ sau một lần thi. Gia đình mừng vì bớt phải đưa con đi lại xa, đỡ tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian. Xã hội mừng vì bớt căng thẳng về giao thông, chỗ trọ, tiết kiệm chi phí đáng kể.
Những thay đổi về mục tiêu, nội dung, phương pháp và cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử có tác động đến không chỉ đội ngũ giáo viên, học sinh, các nhà quản lý giáo dục mà còn tác động trực tiếp đến hàng triệu gia đình và toàn thể xã hội. Từ đổi mới khâu thi cử, kiểm tra, đánh giá đã định hướng cho việc dạy và học, thay vì “thi gì học nấy” dần chuyển sang “học gì thi nấy”, đồng thời khắc phục được những bất cập trong đánh giá, thi cử (mục tiêu kiểm tra, thi cử; nội dung, hình thức tổ chức thi; quy trình tổ chức thi; đánh giá kết quả thi…) vốn còn những bất cập trước đây.
Thực tế cho thấy, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một quá trình lâu dài, với không ít những khó khăn, thách thức. Nhưng, với Nghị quyết số 29 của Đảng vạch đường chỉ lối, với sự đồng thuận của toàn xã hội và sự nỗ lực hết mình của ngành Giáo dục nên chất lượng giáo dục của tỉnh trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực: số học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT tăng qua các năm và đứng thứ hạng cao trong khu vực, nhiều học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức trong phạm vi toàn quốc, khu vực. Kết quả này khẳng định hướng đi đúng đắn, tạo đà để ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong những năm tiếp theo.
Nguyên Phúc